Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch (tháng cô hồn) là khoàng thời gian linh hồn người chết và quỷ đói được quay trở về dương gian. Vì vậy, trong tháng này, nhiều người kiêng kỵ mua đồ mới. Chính quan niệm này khiến một số mặt hàng như xe máy, ô tô, điện thoại, quần áo...thường rơi vào cảnh ế ẩm. Dù vậy, tháng cô hồn cũng ghi nhận nhiều mặt hàng hút khách.
Đồ vàng mã
Tháng 7 Âm lịch cũng là mùa Vu Lan báo hiếu nên vàng mã trở thành mặt hàng hút khách bậc nhất trong tháng cô hồn.
Bên cạnh quần áo, giày dép, tiền vàng, các cửa hàng vàng mã còn bày bán nhiều vật phẩm như ô tô, điện thoại, nhà lầu...Giá các mặt hàng này dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Do lượng khách đông nên có cửa hàng ghi nhận doanh thu vài chục triệu đồng/ngày.
Đồ ăn chay
Với quan niệm hạn chế sát sinh động vật để xá tội vong nhân, không ít gia đình chọn cách ăn chay cho tâm thanh tịnh và cầu may mắn. Vì thế, lượng khách đặt mua đồ chay tăng đột biến trong tháng 7 Âm lịch. Tại các siêu thị, chợ truyền thống ở Hà Nội, càng đến sát rằm tháng 7, lượng khách mua sắm lễ ngày càng tăng.
Không chỉ chợ truyền thống, đồ chay còn sôi động trên chợ mạng. Nhiều chị em nội trợ chọn cách đặt mâm cúng online để tiết kiệm thời gian.
Trái cây
Trong tháng cô hồn, nhu cầu mua trái cây làm lễ cúng của mọi người nhiều hơn những tháng khác. Giá cả vì thế cũng sẽ thay đổi theo từng ngày. Không chỉ mua làm đồ cúng, nhiều người còn mua trái cây để chế biến thành các món chay ăn thanh tịnh.
Vật phẩm phong thủy
Ngoài ý nghĩa trang trí, các vật phẩm phong thủy còn có công dụng tâm linh khác như trấn an tinh thần, bảo vệ, mang lại may mắn. Để tránh xui xẻo trong tháng cô hồn, nhiều người tìm mua các vật phẩm đem lại bình an, may mắn như đá thạch anh, tỳ hưu, tượng phật quan âm...
Quần áo phật tử
Trong tháng 7 âm lịch, cả người lớn tuổi và các bạn trẻ đều chăm đi lễ chùa, tham gia các buổi tụng kinh, niệm Phật. Nhu cầu sử dụng những bộ quần áo phật tử cũng nhiều hơn. Số lượng quần áo Phật tử ở các cửa hàng chuyên dụng thường tăng mạnh nhất trong năm.