Đu đủ chín rụng thối nhưng không dám bán
Nhiều ngày nay, khoảng 1.000 cây đủ đủ của gia đình anh Nguyễn Thế Dương (trú xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu, Tx. Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) đã chín rụng đầy vườn, thế nhưng người nông dân này chẳng thể làm gì được.
“Gần 1 năm chăm sóc, bao nhiêu vốn liếng của gia đình đầu tư vào vườn cây, giờ nhìn thấy cảnh quả đu đủ rụng đầy gốc không bán được, xót xa lắm. Giờ biết lấy gì mà sống”, anh Dương nói.
Gia đình anh là một trong 16 thành viên HTX nông nghiệp Tây Hiếu, Tx. Thái Hòa, tham gia dự án trồng cây đu đủ có sự bao tiêu sản phẩm của Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods (có địa chỉ tại Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An) vào tháng 11/2022.
Để trồng 0,5ha đu đủ, anh Dương phải đầu tư hơn 175 triệu đồng để cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, dẫn phân và mua cây giống đu đủ của dự án về trồng.
“Cây phát triển rất tốt, quả nhiều, ước tính vườn đu đủ của tôi đạt khoảng 80 tấn quả để nhập cho công ty. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, phần lớn quả đu đủ đã chín rụng đầy gốc nhưng vẫn không được công ty về thu mua”, anh Dương xót xa nói.
Theo anh Dương, đến nay đã có 4-5 lứa đu đủ chín phải đổ bỏ. Gia đình anh không dám mang đu đủ đi bán vì sợ vi phạm hợp đồng với công ty. Vì vậy, đu đủ chín không được thu hoạch, rụng thối rửa dưới gốc cây.
Không riêng gia đình anh Nguyễn Thế Dương mà hiện nay 13,6ha cây đu đủ của các thành viên HTX nông nghiệp Tây Hiếu đều rơi vào nghịch cảnh như trên.
Theo tính toán của người dân, bình quân 1ha cây đu đủ cho sản lượng từ 140 - 150 tấn. Với giá cam kết thu mua là 3.500 đồng/kg thì người dân thu về trên 500 triệu đồng/ha.
Thế nhưng, thực tế như hiện nay, 16 hộ trồng đu đủ ở đây có nguy cơ mất trắng trên 7 tỷ đồng nếu không có hướng giải quyết, đền bù thiệt hại từ phía công ty.
Lý do công ty... "mang con bỏ chợ"
Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu, Tx. Thái Hòa cho biết, hợp đồng cung cấp giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ giữa Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods và HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu được ký kết ngày 21/11/2022 đã nêu rõ việc công ty sẽ cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả đu đủ.
Tháng 7/2023 khi toàn bộ diện tích đu đủ vào vụ thu hoạch lứa đầu, đại diện HTX nông nghiệp Tây Hiếu đã liên lạc rất nhiều lần với phía công ty để về thu mua nhưng phía công ty chần chừ, không có động thái thu mua.
Đến ngày 19/7/2023, phía công ty lại có thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế (về việc cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ), với lý do là thị trường xuất khẩu hàng hóa chịu tác động tiêu cực từ xung đột của Nga - Ukraine.
“Công ty không thu mua với lý do đưa ra là ảnh hưởng chiến sự giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, hợp đồng được ký trước khi chiến sự xảy ra. Rõ ràng chúng tôi bị “mang con bỏ chợ” và người thiệt nhất chính là người dân”, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu nói.
Ngay sau khi nhận được thông báo từ phía công ty, đại diện HTX nông nghiệp Tây Hiếu đã có buổi làm việc trực tiếp với công ty tại văn phòng số 47 Nguyễn Cảnh Hoan, phường Quán Bàu, Tp. Vinh và được đại diện công ty cho biết, sẽ đưa ra phương án giải quyết và trả lời cho HTX nông nghiệp Tây Hiếu vào ngày 3/8/2023.
Tuy nhiên, phải đến ngày 18/8/2023, Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods mới có buổi làm việc với HTX nông nghiệp Tây Hiếu và những hộ dân tham gia dự án. Tại buổi làm việc này, doanh nghiệp đã chấp nhận đền bù, hỗ trợ người dân 225 triệu đồng/ha.
Hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng trước đó. Chậm nhất đến ngày 21/8/2023 sẽ hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng và chuyển tiền cho bà con. Ngoài ra, 50% số tiền mua cây giống người dân còn nợ công ty thì công ty cũng đồng ý hỗ trợ bà con cụ thể là 8 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu tính theo hợp đồng đã ký trước đó thì doanh nghiệp phải đền bù cho người dân gần 500 triệu đồng/ha.
“Vì lý do bất khả kháng nên chúng tôi và công ty đã thỏa thuận để đảm bảo lợi ích hai bên. Số đu đủ đã trồng, công ty cho phép người dân mang đi bán để vớt vát thêm tiền vốn liếng”, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu cho biết thêm.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Thứ Trung, Trưởng phỏng Kinh tế Tx. Thái Hòa cho biết, qua sự việc này bà con nông dân, các hợp tác xã cũng cần tham khảo các đơn vị liên kết cây trồng, tránh những rủi ro. Trong thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ tìm cách tiêu thụ số đu đủ còn lại cho người dân.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/nguoi-dan-trong-du-du-lao-dao-do-cong-ty-don-phuong-cham-dut-hop-dong-a19675.html