Ngành nông nghiệp thu về hơn 33 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản 8 tháng qua đạt hơn 33 tỷ USD.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản trong tháng 8 năm 2023 ước đạt gần 4,4 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản 8 tháng qua đạt hơn 33 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đã rút ngắn còn 9,5%.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt gần 17 tỷ USD, tăng 11,5%. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 325 triệu USD, tăng 26%. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu thuỷ sản, lâm sản đồ gỗ... vẫn duy trì mức giảm hơn 25%.

Cán cân thương mại ngành nghiệp Việt Nam trong 8 tháng ước đạt thặng dư 6,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng cường giám sát để hạn chế cảnh báo từ nước nhập khẩu

Cùng với sự tăng trưởng của lúa gạo thì rau quả là lĩnh vực có sức tăng lớn. Tuy nhiên, những cảnh báo gần đây của nước nhập khẩu đối với chuối, xoài, thanh long, sầu riêng… cho thấy yếu tố thiếu bền vững. Ngay lúc này, việc tăng cường giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói khi Tây Nguyên đang bước vào thu hoạch sầu riêng đã được các bên vào cuộc.

Từ tháng 9, trên thị trường chỉ có Việt Nam còn sầu riêng thu hoạch. Lợi thế này đang khiến việc mua bán nóng từng ngày. Tỉnh Đắk Lắk có hơn 22.000 ha sầu riêng, là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ hai sau Tiền Giang.

Giá sầu riêng tăng, nhiều thương lái đến tận vườn để chào mời đặt cọc là một tín hiệu vui nhưng cũng là nỗi lo về quản lý mã số.

Ngành nông nghiệp thu về hơn 33 tỷ USD - Ảnh 1.

Tăng cường giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để hạn chế cảnh báo từ nước nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Gần 7.000 mã số vùng trồng và gần 1.600 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp là con số còn khá khiêm tốn so với diện tích và sản lượng nông sản. Nhưng điều cần làm hiện nay là phải có chế tài để mã số phải đi liền với chất lượng.

Cục Bảo vệ Thực vật hiện sẽ tiếp tục hoàn thiện phần mềm để xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại các địa phương thông qua trang điện tử sansangxuatkhau.ppd.gov.vn. Việc minh bạch thông tin về mã số sẽ góp phần hạn chế gian lận.

Cần bám sát tiêu chuẩn thị trường

Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam), để gia tăng giá trị nông sản, sản xuất phải bám sát tín hiệu, tiêu chuẩn của thị trường... không phải sản xuất theo thói quen. 

Hiện người tiêu dùng Trung Quốc thường ưa chuộng sầu riêng theo thùng, thay vì mua lẻ từng quả. Thái Lan đã đáp ứng thị hiếu này, khi đóng 1 thùng có 6 quả, mỗi quả đạt trọng lượng 3 - 3,5kg.

Trong khi tại các vùng trồng của Việt Nam, người dân lại có xu hướng sản xuất quả lớn từ 3,5 - 5kg, không phù hợp với quy cách mà Trung Quốc mong muốn. Một lưu ý nữa là việc kiểm soát hình thức, mẫu mã sầu riêng sau thu hoạch, cần đảm bảo gai không bị dập, nếu có cần loại bỏ ngay.

Ngành nông nghiệp thu về hơn 33 tỷ USD - Ảnh 2.

Để gia tăng giá trị nông sản, sản xuất phải bám sát tín hiệu, tiêu chuẩn của thị trường... không phải sản xuất theo thói quen.

Về thời điểm thu hoạch, thời gian sầu riêng từ lúc ra hoa đến lúc cho thu hoạch quả là khoảng 100 ngày. Sầu riêng chín cây được cắt vào khoảng ngày thứ 90 - 92. Do sầu riêng chín dần từ dưới lên, nếu thu hoạch sớm, sầu riêng chỉ nặng cân, mà không đảm bảo hương vị tốt nhất, thậm chí không chín... khi tới tay người tiêu dùng. Nếu thu hoạch muộn, sầu riêng có thể bị chín dọc đường, dẫn đến hiện tượng nứt vỏ.

Về màu sắc, cần tính toán để khi sang đến thị trường tiêu thụ, sầu riêng có vỏ màu xanh vàng, thể hiện là quả sắp chín, độ ngọt vừa đạt.

8 tháng đầu năm, rau quả đã đạt 3,4 tỷ USD tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng sẽ là mặt hàng đạt tỷ đô khi cả doanh nghiệp và nông dân nắm vững được yêu cầu thị trường.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/nganh-nong-nghiep-thu-ve-hon-33-ty-usd-a20901.html