Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 638 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan khoảng 10 USD/tấn.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Kế hoạch ban đầu là 650.000 ha, nay nâng lên 700.000 ha. Theo tính toán, với năng suất trung bình 5,7 tấn/ha, vụ Thu Đông này dự kiến sẽ có thêm khoảng 200.000 tấn gạo để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, với mức giá như hiện nay, có thể đem về hơn 100 triệu USD.
Thời điểm này, nhiều nông dân tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã bắt đầu xuống giống cho vụ Thu Đông. HTX Nông nghiệp Lộc Phát 1 dự kiến có khoảng 200 ha diện tích lúa và số tiền đầu tư ban đầu cho giống, vật tư khoảng 2 tỷ đồng.
Giá lúa gạo tăng nhiều so với năm 2022 là cơ sở để nông dân có thêm thu nhập tái đầu tư cho vụ Thu Đông. Với giá lúa hiện nay khoảng 8.500 đồng/kg, nông dân tại nhiều địa phương đã tập trung vụ mới.
Người dân chọn mua gạo tại siêu thị. (Ảnh: PLO)
"Hiện tại, giá lúa có tăng, so với các vụ trước đây tăng rất cao. Bà con nông dân rất phấn khởi để tái đầu tư cho vụ Thu Đông tới", ông Đặng Thế Hiện, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Phát 1, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết.
Khi tăng diện tích trồng lúa, phải tăng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, do vậy việc tăng diện tích lúa vụ 3 thành công hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng chuẩn bị của các địa phương.
"Khuyến cáo bà con chỉ nên xuống giống vụ Thu Đông ở vùng nào đã được đê bao và chuẩn bị các phương tiện bơm tát", ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Sóc Trăng, nói.
Theo tính toán, nếu tăng thêm 50.000 ha, ĐBSCL sẽ có thêm khoảng 300.000 tấn lúa phục vụ xuất khẩu. Mặc dù có nhiều thuận lơi, nhưng các chuyên gia nhận định việc tăng sản lượng không quan trọng bằng việc tăng chất lượng hạt gạo, giảm chi phí sản xuất để nông dân vừa bán được giá lúa cao, vừa thu được nhiều lợi nhuận hơn và bền vững.
Tuy nhiên, tại một số địa phương ở ĐBSCL đang xuất hiện tình trạng thương lái đặt cọc thu mua lúa non, bà con nông dân nhận thấy mức giá có lợi nên không ngại chốt đơn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu tình trạng này diễn ra phổ biến thì người nông dân sẽ chịu rủi ro khi giá lúa hiện đang biến động khó lường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều địa phương khuyến cáo bà con nông dân chỉ nên nhận đặt, bán lúa với những thương lái hay doanh nghiệp có uy tín, có hợp đồng ký kết rõ ràng, tránh trường hợp mua bán bằng miệng, bởi khi giá lúa giảm, các thương lái hoặc cò lúa không thu mua nữa, người dân có thể bị rơi vào tình cảnh bị "đem con bỏ chợ".