Thịt nội lép vế trên sân nhà, khó xuất khẩu

Đứng thứ 5 thế giới về sản lượng thịt lợn nhưng mỗi năm Việt Nam lại chi hàng tỷ USD nhập khẩu các loại thịt, sản phẩm thịt.

Khó cạnh tranh với các nước

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ước đạt 276 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 76 triệu USD, tăng 18,7%. Xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt phụ phẩm ăn được sau giết mổ đạt 80 triệu USD, tăng 36,5%.

Việt Nam có tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới (khoảng 25 triệu con, tương đương 3,1 triệu tấn). Trong nửa đầu năm, nước ta xuất khẩu khoảng 19.000 tấn thịt lợn (chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh), trị giá trên 18,4 triệu USD. Với lợn sống, chỉ khoảng 6.800 con.

Ở chiều ngược lại, 7 tháng qua, Việt Nam đã chi tới 2,01 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 732 triệu USD; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ ước đạt 752 triệu USD...

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, giá thành chăn nuôi của Việt Nam khá cao vì các chuỗi cung ứng phụ thuộc bên ngoài rất lớn. Nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống của nước ta đều cơ bản nhập khẩu và nguồn cung do các doanh nghiệp FDI chi phối nên sản phẩm thịt hiện không thể cạnh tranh được với các nước.

Với chăn nuôi lợn, giá thành ở Việt Nam vào khoảng 50.000 đồng/kg. Với những trang trại lớn, tự chủ được con giống, giá thành khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ở các nước châu Âu, con số này chỉ khoảng 35.000 đồng/kg. Còn ở châu Mỹ (Mỹ, Brazil), giá chưa tới 25.000 đồng/kg. Nếu so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc, giá thành sản xuất lợn của Việt Nam đang “một trời một vực”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho rằng, Việt Nam ở cạnh một thị trường tiêu thụ thịt lợn rất lớn là Trung Quốc. Song đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xuất thịt lợn chính ngạch sang thị trường này dù cơ quan chức năng hai nước đã bàn thảo nhiều năm qua. “Khi chưa tìm được đầu ra xuất khẩu cho các sản phẩm, giá thịt lợn, gà… vẫn luôn ở tình trạng bấp bênh mỗi khi thị trường biến động”, ông Sơn nói.

Theo ông Đoán, các nước trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ ngành chăn nuôi rất mạnh. Như Nhật Bản, để xuất hàng vào thị trường này, các doanh nghiệp phải mất 4 - 5 năm đàm phán. “Trong danh mục cả chục sản phẩm, họ chỉ cấp phép cho một vài sản phẩm có hạn sử dụng ngắn, dẫn tới việc xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam hết sức khó khăn”, ông Đoán cho hay.

Tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

Trong khi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa thể cạnh tranh được khi xuất khẩu, việc nước ta gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đã tạo điều kiện cho thịt giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam, lấn át thịt nội.

Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ về 0% sau 7 năm khi hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu các loại thịt lợn khác về 0% sau 9 năm. Thịt gà bỏ thuế hoàn toàn sau 10 năm, thịt bò là 3 năm. Tuy nhiên, khi hiệp định có hiệu lực chưa đầy một năm, thịt từ các quốc gia Liên minh châu Âu như Ba Lan, Đức, Hà Lan… đã ồ ạt về Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng giúp thịt từ Nga, Brazil, Canada, Mexico… liên tục thâm nhập thị trường Việt Nam thời gian qua và trở thành nhóm thị trường cung thịt lợn tươi ướp lạnh, đông lạnh lớn nhất cho Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam (Bộ NN&PTNT), cho rằng, để xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm, kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc then chốt trong các FTA và Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO (Hiệp định SPS) giữa Việt Nam và các nước khác.

Thịt nội lép vế trên sân nhà, khó xuất khẩu - Ảnh 1.

Trong khi xuất khẩu nhỏ giọt, Việt Nam chi tới hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu thịt, các sản phẩm thịt trong 7 tháng qua

Đến nay Việt Nam mới chỉ có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…). Quy mô chế biến thịt lợn của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng lợn thịt xuất chuồng.

“Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, chúng ta cần phải kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, đồng thời phát triển mạnh các nhà máy chế biến, sản phẩm phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Hòa nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác, chăn nuôi Việt Nam đang rơi vào tình cảnh “sản xuất nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu”. Cả năm ngoái, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD, trong đó xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp.

Theo ông Tiến, với sản lượng đứng tốp đầu thế giới, ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, trước hết cần phải độc lập, tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đây cũng là mục tiêu Thủ tướng chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp.

“Hiện Việt Nam có khoảng 800.000 ha có thể chuyển sang trồng ngô, đậu tương... để có nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Bộ đã ký kết với một số doanh nghiệp triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên. Còn đối với vùng chăn nuôi đạt chuẩn an toàn sinh học, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương xây dựng tại Đông Nam bộ”, ông Tiến cho hay.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/thit-noi-lep-ve-tren-san-nha-kho-xuat-khau-a21024.html