Sau giá gạo, đến lượt giá đường thế giới tăng "phi mã" trong bối cảnh Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024, bắt đầu từ tháng 10/2023 - đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ.
Giá trong nước tăng vọt theo thế giới
Việc cường quốc mía đường là Ấn Độ cấm xuất khẩu đường đã khiến nguồn cung trên thế giới suy giảm đáng kể, từ đó đẩy thị trường vào một cú sốc cung mới. Đỉnh điểm, giá đường thô thế giới ở mức 27,3 US Cent/pound, vượt đỉnh 10 năm.
Tại Ấn Độ, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính sản lượng đường sản xuất cho niên độ 2022 - 2023 chỉ đạt 34 triệu tấn, thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo gần nhất và giảm 5% so với cùng kỳ niên độ trước. Chất lượng mía thấp hơn dự kiến do điều kiện thời tiết không thuận lợi, cây mía chín sớm hơn và giảm trọng lượng.
Đối với Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng đường cũng chỉ đạt 9 triệu tấn, thấp hơn 1 triệu tấn so với dự báo trước đó và thấp hơn 6,3% so với niên độ trước.
Nhìn chung, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022 - 2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.
Bối cảnh trên khiến giá đường tại Việt Nam bắt đầu tăng theo thế giới. Trong tháng 8/2023, giá đường trong nước đã tăng lên mức cao nhất vài năm trở lại đây, đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, đến ngày 28/8, có công ty đã thông báo giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh giá đường đang "nóng" thì nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường đã hết niên vụ.
Ông Trần Văn Kiên, Giám đốc nhà máy đường An Khê (Gia Lai), thuộc Tổng công ty mía đường Quảng Ngãi cho biết, niên vụ của doanh nghiệp ngành mía đường bắt đầu từ ngày 1/5 năm trước và kết thúc vào ngày 30/5 năm sau. “Dù biết giá đường thế giới và trong nước tăng cao nhưng hiện chúng tôi đang tập trung vào công tác sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy, chung tay với người dân chăm sóc vườn mía để nâng cao sản lượng vào vụ ép mía năm 2023- 2024”, ông Kiên nói.
Tương tự, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, thông tin: “Vụ mía vừa rồi, nhà máy đường chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, lượng mía giảm hơn 20%. Hiện niên vụ của nhà máy đã kết thúc vào cuối tháng 4. Do vậy, dù biết giá đường biến động và tăng cao nhưng chúng tôi chỉ có thể tập trung khắc phục thiệt hại diện tích mía đã chết do thời tiết nắng nóng gây ra”.
Có dấu hiệu găm hàng, đẩy giá
Xác nhận với VTC News , ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, diễn biến thị trường những ngày qua cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng nếu xu hướng này tiếp tục.
Mới đây, ngành thực phẩm có công văn kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Hiện nay, ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023 - 2024 và một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía – đường.
Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay là mức giá hợp lý bảo đảm mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
" Không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng. Tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá ", văn bản của Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu.
Đối với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo nêu trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó trong đó có kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023.