Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Gắn mác "tự nguyện" nhưng phụ huynh quay cuồng

Tình trạng trường học liên kết với các bên đưa ra quá nhiều chương trình dạy thêm đang khiến phụ huynh cũng như dư luận xã hội bức xúc.

LTS: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học

Vừa qua, một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THPT, THCS, tiểu học trên cả nước cho biết, đầu năm học nhiều trường đã cho phụ huynh viết đơn “tự nguyện” đăng ký học tiếng Anh người nước ngoài, kỹ năng sống. Dù vậy, do công tác quản lý còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng về chất lượng của phụ huynh và tạo ra dư luận không tốt thời gian qua. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã có phương án xử lý như thế nào? Xin kính mời quý độc giả cùng theo dõi tuyến bài “Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học” trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.

Cho con học thêm vì không muốn con "dị biệt"

Năm học mới 2023-2024 chỉ mới bắt đầu được vài tuần, nhưng các trường học trên địa bàn Tp.HCM đã gửi thông báo, đề nghị phụ huynh đăng ký cho con học thêm kỹ năng sống, liên kết tiếng Anh, tin học yêu cầu học sinh đăng ký tự nguyện.

Bức xúc phản ánh với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con đang theo học tại một trường trung học cơ sở tại quận 6 (Tp.HCM) cho biết, ngay từ đầu năm học, phụ huynh đã được học sinh mang về giấy đăng ký học môn tự chọn Kỹ năng sống tại lớp. Phụ huynh cho biết, nếu học sinh nào không đăng ký học kỹ năng sống thì đến giờ học sẽ xuống thư viện để đọc sách.

Theo vị phụ huynh này, thời khóa biểu học kỹ năng sống được lồng ghép vào thời khóa biểu của các môn chính khóa, nên nếu con của anh không đăng ký học môn này, thì cũng chẳng biết phải làm sao, nên cuối cùng phải đăng ký để con không tủi thân.

Giáo dục - Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Gắn mác 'tự nguyện' nhưng phụ huynh quay cuồng

Nhiều trường xếp lịch chèn môn liên kết giữa môn học chính khóa. Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong

Năm học này, thời khoá biểu của một trường tiểu học tại quận Ba Đình, Hà Nội cũng xếp nhiều môn liên kết vào giữa các tiết học chính khoá buổi sáng gồm: Tiếng Anh khoa học giữa giờ sáng thứ 2; Tiếng Anh liên kết giữa giờ sáng thứ 3; Tiếng Anh Toán giữa giờ sáng thứ 5; Tiếng Anh giáo viên nước ngoài sáng thứ 6.

Chị Ngô Thị Minh Lương, có con là học sinh lớp 5 trường tiểu học kể trên, thông tin với Tiền Phong, năm học này khi giáo viên đưa phiếu đăng ký học các môn liên kết tự nguyện, chị lập tức ký tên vì biết với thời khoá biểu như trên, con không học sẽ ra cửa vật vờ. Năm ngoái, chị là một trong những phụ huynh không cho con theo học Toán Tiếng Anh, và Tiếng Anh khoa học nhưng sau đó nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm với nội dung: “Các môn xếp trong giờ học chính khoá, nếu mẹ không đăng ký, cả lớp học thì con sẽ đi đâu?”. Không trả lời được câu hỏi, cuối cùng chị Lương cùng một vài phụ huynh khác đành phải đặt bút ký vào tờ giấy tự nguyện. Trong đó, có cả phụ huynh đang làm ở trung tâm ngoại ngữ.

Xếp thời khóa biểu môn liên kết chèn vào giữa môn học chính khoá khiến học sinh không đăng ký thì đi ra ngoài là câu chuyện nhiều năm nay chưa có “thuốc giải”. Có phụ huynh còn kể, giáo viên chủ nhiệm dọa “chuyển lớp” nếu cha mẹ không đăng ký học Tiếng Anh liên kết vì cả lớp chỉ có một em không học. Không muốn con trở nên “dị biệt”, phụ huynh đành đóng mỗi tháng gần 300.000 đồng/ tháng cho môn liên kết.

Cùng chung tâm trạng, chị Hoàng Lan Hương, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ với Dân Việt: "Con tôi ngày nào đi học cũng trĩu ba lô trên vai vì quá nhiều sách vở. Dù cảm thấy không cần thiết lắm nhưng nhà trường tổ chức cho con học thêm tiếng Anh liên kết nên tôi đành cho con theo vì sợ con thiệt thòi so với các bạn cùng lớp.

Thấy trong thời khóa biểu của con sáng con học tiếng Anh của Bộ GD&ĐT, chiều học Toán - tiếng Anh rồi học tiếng Anh với người nước ngoài. Mà học phí thì đâu phải thấp, mỗi tháng riêng tiền tiếng Anh ở trên lớp đã mất gần 1 triệu mà về con không nói được câu tiếng Anh nào".

Phụ huynh bức xúc về học phí

Tình trạng dạy thêm, học thêm từ lâu đã thành một "vấn nạn" trong ngành giáo dục bởi năm nào cũng nhắc đến nhưng chưa năm nào không gây bức xúc. Vấn nạn này làm khổ phụ huynh, học sinh với nhiều hình thức từ ở nhà, ở các trung tâm lẫn tại trường học.

Tuỳ từng chương trình học, số lượng tiết học mà học phí dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng như chị Hoàng Lan Hương, điều khiến phụ huynh bức xúc là những tiết học mất nhiều tiền nhưng chưa chắc đã hiệu quả.

Chị H.T.L.H. có hai con đang học lớp 1 và lớp 3 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ trường tiểu học của con chị liên kết với hai trung tâm dạy tiếng Anh là I. và L.L..

Theo đó, chương trình của trung tâm I. là toán tiếng Anh và STEM, mỗi môn 1 tiết/tuần. Chương trình của L.L. là tiếng Anh nâng cao 2 tiết/tuần, sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống".

Giáo dục - Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Gắn mác 'tự nguyện' nhưng phụ huynh quay cuồng (Hình 2).

Thời khóa biểu lớp 3 của con chị H.T.L.H. (Ảnh: NVCC/).

 

Chị H. đăng ký cho con nhỏ học chương trình tiếng Anh nâng cao. Học phí áp dụng cho năm học 2023-2024 là 6 triệu đồng/năm, tương đương 667.000 đồng/tháng hoặc 92.308 đồng/tiết. Một tiết học của học sinh tiểu học là 35 phút. Lớp con chị H. có 52 học sinh. Như vậy, giá cho một tiết học tiếng Anh liên kết 35 phút này là 4.785.000 đồng.

Con lớn chị H. học lớp chương trình liên kết của trung tâm I.. Học phí mỗi tháng là 385.000 đồng, tương đương 42.700 đồng/tiết. Sĩ số lớp là 40 học sinh. Giá cho mỗi tiết học xấp xỉ 1,7 triệu đồng.

Theo thời khóa biểu chị H. cung cấp, tất cả các môn liên kết được xếp xen kẽ vào các môn chính khóa.

Giáo dục - Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Gắn mác 'tự nguyện' nhưng phụ huynh quay cuồng (Hình 3).

Đơn đăng ký học tiếng Anh liên kết tại trường với mức phí cụ thể (Ảnh: NVCC/).

Với mức học phí này, chị H. cho rằng học liên kết ở trường quá đắt so với học trung tâm. Chị H. dẫn chứng: "Tôi đang cho con học tiếng Anh 1:1 với giáo viên người Philippines. Mỗi buổi học 25 phút, học phí 85.000 đồng. Trung tâm cung cấp các giáo viên khác nhau với giáo trình khác nhau theo yêu cầu của phụ huynh.

Trong khi đó, một tiết tiếng Anh liên kết ở trường có 50 học sinh. Tính trung bình mỗi học sinh được tương tác với giáo viên chưa đến 1 phút nhưng học phí là 92.000 đồng.  Chưa so sánh về chất lượng, giá học tiếng Anh ở trường đang cao hơn nhiều so với trung tâm".

Cũng bức xúc về vấn đề học phí của các chương trình dạy liên kết trong trường học, một phụ huynh (có hai con học lớp 1 và 6) sống tại quận 3, Tp.HCM chia sẻ với : "Đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục tại trường THCS của con lớn cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ tại trường tiểu học của con nhỏ. Như vậy, mỗi công ty như thế này cùng lúc có tối thiểu gần 10.000 khách hàng mỗi tháng".

"Số tiền nhà trường thu hộ cho đơn vị liên kết được chia như thế nào? Nhà trường được hưởng bao nhiêu phần trăm từ tiền cơ sở vật chất? Có lợi ích nào khác khiến nhà trường xếp các tiết ngoại khóa vào lịch học chính khóa để phụ huynh không thể không đăng ký cho con học hay không?

Nếu phần lớn số tiền thu được thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục, tôi nghĩ rằng không thể có loại hình kinh doanh nào thuận lợi hơn thế trong bối cảnh hiện nay. Không có rủi ro, không có nợ đọng, khách hàng ổn định với "nghìn đơn" mỗi tháng.

Đó có phải là lý do trường nào cũng tổ chức học môn liên kết hay không?", phụ huynh này đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Trong khi đó, chia sẻ với Dân Việt, một giáo viên ở Hà Nội thừa nhận, có một khoản thu gây bức xúc cho phụ huynh cấp 1, 2 là tiếng Anh có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, phụ huynh phải đóng 50.000 đồng/tiết/học sinh cho giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh. Nói là giáo viên nước ngoài nhưng trên thực tế không ai biết họ là giáo viên hay không.

Các giáo viên này nhận thù lao cực kỳ cao. Nếu lớp có 45 học sinh, có thể tính nhanh mỗi tiết học có mức giá 2,25 triệu đồng/tiết. Nếu giáo viên này dạy một buổi 4 tiết thì là 10 triệu đồng bằng 2 tháng lương của giáo viên trẻ mới ra trường.

Không chỉ có tiếng Anh, còn nhiều lớp học thêm khác như STEM, giáo dục kỹ năng sống thì mỗi trường cả nghìn học sinh cũng là nguồn thu nhập khủng cho các trung tâm liên kết, nhà trường. Không đi học thì lo bị trù dập, không đăng ký học phụ huynh lo con bị... đuổi ra khỏi lớp, đó là lý do vì sao phụ huynh không có lựa chọn nào khác ngoài đăng ký cho con theo học dù là ở nhà cô hay ở trường. Và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn hết năm này đến năm khác nếu không có biện pháp mạnh.

* Đón đọc bài 2: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong nhà trường: Không đăng ký học, trẻ phải... lang thang (7h sáng 15/10)

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/giao-duc-dao-tao-lien-ket-tieng-anh-trong-truong-hoc-gan-mac-tu-nguyen-nhung-phu-huynh-quay-cuong-a31561.html