Vào ngày 19/10 tớ đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.
Tại hội thảo, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) sẽ có báo cáo về thực trạng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Theo đó, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, chúng ta đều thấy xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng (supply chain) đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực.
Các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu. Hoa Kỳ là một cường quốc về công nghệ. Trong lĩnh vực bán dẫn, Hoa Kỳ cũng có những công ty dẫn đầu thế giới.
Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.
Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, theo giới chuyên ngành (đến từ các trường đại học kỹ thuật) thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm (phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế: 3.000 x 5 năm + 5.000 = 20.000), trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).
Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch: Nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn: có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…; Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch: các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…
Tuy nhiên do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng:
Đó là Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch;
Và Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.
Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng một Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10, trong đó sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/can-20000-nhan-luc-nganh-vi-dien-tu-va-ban-dan-trong-5-nam-toi-a32329.html