ĐBQH không tán thành việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Duy Thanh cho rằng việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK là không phù hợp với thực tế, việc này dễ dẫn đến quay lại tình trạng độc quyền.

Tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 chiều 31/10, ĐBQH, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) dành phần lớn thời gian để góp ý về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Dễ quay lại tình trạng độc quyền

Ông Thanh cho biết, tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhận được Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.

Vị đại biểu nhìn nhận báo cáo đã đánh giá một cách khách quan, công bằng những thành công của việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thực tế triển khai, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân cả nước vào công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời nêu lên những kiến nghị xác đáng, có tính hệ thống với Chính phủ để đổi mới đạt kết quả tốt hơn.

Nêu kiến nghị cụ thể, ông Thanh không tán thành về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ SGK theo Nghị quyết 88. Nói về lý do này vị ĐBQH chỉ ra 3 nguyên do cơ bản:

Giáo dục - ĐBQH không tán thành việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau).

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, việc này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019. “Cả hai văn bản nói trên đã điều chỉnh quy định của Nghị quyết 88/2014 về việc “Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK””, Tiến sĩ Thanh nhấn mạnh. 

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn, ông Thanh cho biết việc này không phù hợp với thực tế, chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK đã đạt những kết quả và đang diễn ra thuận lợi.

Thứ ba, về hậu quả, việc này dễ dẫn đến triệt tiêu xã hội hoá, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hoá và đi ngược lại xu hướng quốc tế.

“Tôi tin rằng, nếu Đoàn giám sát có đầy đủ thông tin về chính sách SGK của các nước trên thế giới thì có thể đã không nêu lên kiến nghị này”, ông Thanh nói.

Tiết kiệm bao nhiêu tiền nhờ xã hội hóa SGK?

Ngoài ra, về nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, ông Nguyễn Duy Thanh kiến nghị sửa đổi Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn SGK; kiến nghị nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục.

Về nhóm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, ông kiến nghị tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình,  SGK giáo dục phổ thông; kiến nghị xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc sử dụng chi phí phát hành SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đối với nhóm giải pháp tăng cường các điều kiện để bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, SGK, vị ĐBQH kiến nghị tăng cường đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm số lượng và chất lượng của đội ngũ để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới;

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong bài phát biểu của mình, ông Thanh chỉ ra số liệu trong báo cáo giám sát của Quốc hội có nêu rõ: “Trong giai đoạn 2015 - 2022, Nhà nước đã bố trí 213.449 tỷ đồng cho việc đổi mới chương trình, SGK; trong đó, chi thường xuyên là 81.770 tỷ đồng, chiếm 38,3%, chi đầu tư là 131.679 tỷ đồng, chiếm 61,7%”.

Giáo dục - ĐBQH không tán thành việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK (Hình 2).

ĐBQH yêu cầu làm rõ mức độ đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong việc xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Ông Thanh đề nghị cơ quan cung cấp số liệu này cho biết: Mức chi nói trên vượt bao nhiêu so với mức chi bình thường hằng năm cho giáo dục phổ thông theo quy định? Thực sự mức chi phục vụ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào?

“Nếu không bóc tách rành mạch, rõ ràng thì con số khổng lồ này có thể gây hiểu lầm về cách Chính phủ chi tiêu ngân sách Nhà nước và về kinh phí đổi mới chương trình, SGK”, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, một trong những chủ trương lớn của Nghị quyết 88 là xã hội hoá việc biên soạn SGK.

“Vậy, đóng góp của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân là bao nhiêu? Chi phí từ ngân sách Nhà nước cho công việc này là bao nhiêu? Nhờ xã hội hoá, Nhà nước đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền?” ông Thanh nói và cho rằng nếu không nói rõ điều này thì chúng ta không đánh giá được đầy đủ hiệu quả của chủ trương xã hội hoá.

Từ những vấn đề chỉ ra, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh yêu cầu cần nêu cụ thể tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát và biện pháp xử lý nếu không hoàn thành trách nhiệm.

Bổ sung kiến nghị xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc lựa chọn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian qua.

Bổ sung kiến nghị đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; ngăn chặn kịp thời thông tin xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc, nhất là trên không gian mạng; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, không để các thế lực thù địch gây mất niềm tin vào công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/dbqh-khong-tan-thanh-viec-giao-bo-gddt-bien-soan-mot-bo-sgk-a35472.html