Tìm giải pháp kéo giảm tỉ lệ học sinh bị đuối nước hàng năm

Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể để kéo giảm tỉ lệ học sinh bị đuối nước hàng năm.

Ngày 31/10, Bộ GD&ĐT đã họp bàn giải pháp tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh trong trường học nhằm kéo giảm tỉ lệ học sinh bị đuối nước hàng năm.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, vấn đề an toàn phòng chống đuối nước, phổ cập kỹ năng bơi an toàn cho học sinh, trẻ em trong các nhà trường, địa phương đang ngày càng cấp thiết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng yêu cầu, việc dạy môn Giáo dục thể chất ở các nhà trường cần khảo sát rõ nhu cầu của học sinh. Giáo viên phải để cho các em nhận thức được tầm quan trọng của môn Bơi, cách xử lý các sự cố liên quan đến đuối nước để có thể học bơi trong hoặc ngoài nhà trường. Kỹ năng sống muốn đưa vào nhà trường cần có sự phối hợp tích cực từ phụ huynh học sinh.

Giáo dục - Tìm giải pháp kéo giảm tỉ lệ học sinh bị đuối nước hàng năm

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, trong ba năm 2020, 2021, 2022 trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 500 vụ đuối nước, làm tử vong hơn 1.900 trẻ mầm non, học sinh.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể để kéo giảm tỉ lệ học sinh bị đuối nước hàng năm.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4501/QĐ-BGDĐT ngày 29/11/2021 về Chương trình phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch triển khai theo từng năm.

Bộ GD&ĐT cũng hoàn thiện Thông tư hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó có các tiêu chí cụ thể về dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước.

Báo cáo của các Sở GD&ĐT cho thấy, đa số giáo viên Giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Hiện nay có khoảng 70% trong số này đã được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu.

Tuy nhiên, tỉ lệ giáo viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế ở rất nhiều nơi. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng khó khăn, miền núi.

Hiện nay điều kiện về kinh phí, diện tích nên việc xây dựng bể bơi trong nhà trường gặp khó khăn; việc duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành, sử dụng, bảo quản và kinh phí tổ chức dạy bơi.

Ở nhiều địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học với số lượng khá lớn. Trong đó, Bắc Giang có 129 bể bơi; Bắc Ninh có 80 bể bơi; Hải Phòng năm 2020 mua sắm bể bơi phao cho 40 trường TH, THCS từ kinh phí Quỹ phòng chống thiên tai thành phố.

Theo số liệu thống kê của 59/63 Sở GD&ĐT, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỉ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Trong đó, cấp tiểu học là 1.327 bể/12.475 trường (đạt 10,63%); cấp THCS có 662 bể/10.029 trường (đạt 6,60%); cấp THPT có 195 bể/2.803 trường (đạt 6,95%).

Ý kiến từ địa phương, đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho hay, hiện toàn tỉnh có 79 bể bơi đang hoạt động trong các trường học. Địa phương này kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn và chính sách đặc thù với giáo viên dạy bơi trong trường học. Chuẩn hóa các cơ sở đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất, yêu cầu môn bơi là bắt buộc.

Sở GD&ĐT Quảng Trị thông tin, toàn tỉnh hiện có 399 cơ sở giáo dục với hơn 132.000 học sinh. Trong đó, tỉ lệ học sinh phổ thông biết bơi là 46,5% vẫn còn khá thấp. Tỉnh có 26/232 trường phổ thông có bể bơi, chiếm tỉ lệ 11,2%.

Sở này đề xuất Bộ cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là môn bơi. Giáo viên cần được tập huấn kỹ về chuyên môn để tổ chức tốt việc dạy bơi an toàn trong trường phổ thông.

Đáng chú ý, hiện nay, trong Chương trình Giáo dục thể chất, bơi là môn học có vị trí khá đặc biệt được Bộ GD&ĐT quan tâm, khuyến khích các địa phương triển khai đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông. 

"Ai cũng có thể bị đuổi nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống"

Theo báo Tuổi Trẻ, chương trình hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đuối nước (25/7), nhằm nâng cao nhận thức về gánh nặng đuối nước ở trẻ em và lan tỏa các biện pháp an toàn giúp đảm bảo tính mạng cho trẻ em Việt Nam dưới 16 tuổi.

Trước đó, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, bà Angela Pratt chia sẻ chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống đuối nước năm nay là "Ai cũng có thể bị đuổi nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống".

"Toàn thế giới có hơn 236.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm. Trong đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỉ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới.

Việt Nam cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn", đại diện WHO nói.

Theo ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ những năm gần đây số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, mỗi năm cứu sống gần 100 trẻ. Tuy nhiên, số tử vong vẫn cao và vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em.

Trúc Chi (t/h theo ANTĐ, Giáo dục và Thời Đại)

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tim-giai-phap-keo-giam-ti-le-hoc-sinh-bi-duoi-nuoc-hang-nam-a35512.html