Hành động đánh bạn gây bức xúc
Theo Người Lao Động đoạn clip ngắn có 3 nữ sinh đứng nói chuyện, sau đó 2 người xông vào đánh người còn lại bằng tay chân và cả mũ bảo hiểm.
Qua xác minh, vụ việc xảy ra vào lúc 14h30 chiều 1/11, tại Trường THCS Lê Văn Thới (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Lúc này trường mở cửa cho học sinh vào học môn thể dục.
N.T.N.G là học sinh lớp 8 của một trường khác cùng với M.N.N (học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Văn Thới) đến tìm em H.T.T học sinh lớp 7 để giải quyết mâu thuẫn nói xấu nhau trên mạng trước đó.
Sự việc xô xát được một học sinh khác quay lại và tung lên mạng xã hội.
Ngày 2/11, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Văn Thới đã mời phụ huynh 3 nữ sinh liên quan vụ việc phối hợp xử lý. Sau đó, các em đã nhận lỗi, clip cũng được gỡ bỏ.
Trường THCS Lê Văn Thới cũng đã báo cáo công an địa phương và thông báo đến Trường THCS Thanh Phước để phối hợp giải quyết.
Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường liên tiếp xảy ra tại các trường học trong cả nước.
Cụ thể, vào ngày 30/10, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video bạo lực học đường (khoảng 15 giây) quay lại cảnh một nam sinh vừa chửi thề, đồng thời tát và đấm tới tấp, liên tục vào mặt nam sinh khác ngay trong lớp học.
Nam sinh bị đánh chỉ biết ôm đầu chịu trận trước lời lẽ chửi bậy thô tục và những cái tát, cú đấm liên tục vào mặt và đầu.
Ban giám hiệu Trường THCS Đống Đa xác nhận sự việc xảy ra tại phòng học của một lớp 9 vào ngày 25/10.
Nhận thấy sự việc ảnh hưởng tâm lý học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh, Phòng GD&ĐT Q.Bình Thạnh đã đề nghị nhà trường tiến hành thành lập hội đồng kỷ luật xử lý vụ việc nhằm răn đe và giáo dục học sinh. Phòng GD&ĐT cũng yêu cầu trong buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường nêu sự việc nhằm răn đe, nhắc nhở, giáo dục học sinh toàn trường không để xảy ra sự việc tương tự.
Cần xây dựng "sức đề kháng" để loại bỏ bạo lực học đường
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, chia sẻ bên hàng lang Quốc hội về vấn nạn bạo lực học đường gây nhiều hệ lụy trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, bạo lực học đường gần đây mức độ và có tính chất đáng lo ngại, không chỉ "động tay chân" mà còn cả về tinh thần.
Cụ thể, ông Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ lo ngại là bạn bè các em chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực học đường. Theo ông Vinh, chúng ta cần có thái độ cương quyết loại bỏ tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường.
Nói về nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường như thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, một phần do tác động từ phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội. Hiện nay, học sinh tiếp cận thông tin trên mạng xã hội dễ dàng, những nội dung tiêu cực thì trẻ em, học sinh rất dễ học theo.
Đứng trước thực trạng như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu quan điểm, cần xây dựng "sức đề kháng" cho học sinh. Để làm được điều này ngoài định hướng để các em tiếp cận thông tin lành mạnh, hạn chế tiếp xúc thông tin xấu độc, tiêu cực thì cần giúp các em tự nhận biết được đâu là cái xấu, đâu là cái tốt.
Nói về tính nêu gương của người lớn rất quan trọng, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, người lớn đã có nhận thức đầy đủ nên trẻ thường học và làm theo người lớn. Vì vậy, người lớn hành động, suy nghĩ thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em.
"Tôi cho rằng, người lớn khi có mặt con trẻ phải hành xử đúng mực, kiềm chế. Đừng để trẻ tiếp xúc với những hành vi tiêu cực, khuyến khích trẻ tiếp xúc với cách ứng xử tích cực", ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học từ bài học tiếng Việt, tiếng Anh hay các môn học khác. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục cao thì sẽ rất tốt cho học sinh. Tôi lấy ví dụ, bây giờ ra đường nếu người lớn có ý định vượt đèn đỏ thì trẻ con nhắc ngay. Đấy là do các em được giáo dục từ nhỏ phải tuân thủ luật giao thông.
"Nhưng có người nói là trẻ khi còn nhỏ thì các em có ý thức cao nhưng lớn hơn thì giảm dần độ tự giác, tôi cho rằng ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Có xây, có chống thì giúp hành vi nhận thức mọi người tốt hơn", ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nội hàm của môn học rất quan trọng, trước đây có bài "hai con dê qua cầu". Dù đây là câu chuyện nhỏ nhưng giải thích cho các em hiểu rằng, nếu hai con dê nhường nhịn sẽ mang đến sự tích cực thế nào, nếu không nhường nhịn sẽ ra sao. Bài học này cũng được áp dụng khi người dân tham gia giao thông khi tắc đường, nễu mỗi người nhường nhịn nhau một chút sẽ tốt lên thế nào, không nhường sẽ ra sao.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, nội dung bài học trong sách cố gắng thiết kế khoa học để học sinh tự cảm nhận được cái gì là tốt để dần hình thành nhân cách của các em. Đồng thời, làm sao xây dựng cho các em sức đề kháng, phân biệt được cái tốt, cái xấu từ đó để các em hướng tới cái tốt, cùng tham gia loại bỏ cái xấu.
Theo số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022 (số liệu tổng hợp từ báo cáo của 49/63 tỉnh, thành phố) cho thấy, trong 5 năm (từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022), tổng số vụ việc bạo lực học đường xảy ra là 2.624 vụ, với 7.209 đối tượng có liên quan.
Trong đó, năm học 2017-2018 và 2018-2019 có số vụ bạo lực học đường cao nhất và ngày càng có xu hướng giảm dần cả về số vụ việc và số đối tượng tham gia. Năm học 2021-2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan, số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 học sinh.
Đáng chú ý, theo số liệu trích xuất từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, tính từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 27 vụ việc về bạo lực học đường liên quan đến 108 người (Tiểu học: 3 vụ việc, liên quan đến 17 người; THCS: 17 vụ việc, liên quan đến 59 người; THPT: 7 vụ việc, liên quan đến 32 người).
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/lien-tiep-cac-vu-hoc-sinh-danh-nhau-quay-clip-phat-tan-mang-xa-hoi-a35981.html