Theo Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2023 – 2024 ngành GD-ĐT thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề thi đua: "Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện". Công tác thi đua được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ kết quả phong trào thi đua, thành tích trong các phong trào thi đua. Các cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu thi đua, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận danh hiệu thi đua; tập thể có cá nhân bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên không được xét thi đua.
Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phạm vi ảnh hưởng của thành tích là căn cứ để xét công nhận danh hiệu thi đua và xét khen thưởng do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khen thưởng quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Lùm xùm từ cuộc thi Genius Olympiad 2023 ở Mỹ khiến một giáo viên Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) vừa qua bị kỷ luật cảnh cáo
Đối với hình thức khen thưởng cấp thành phố và khen thưởng cấp Nhà nước: Việc đánh giá, công nhận thành tích và đề nghị cấp trên khen thưởng do người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hình thức khen thưởng theo đợt, chuyên đề không tính làm điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.
Đặc biệt, chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ của cơ quan có thẩm quyền. Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Khi xét khen thưởng cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo, quản lý.
Với chủ đề thi đua năm học 2023-2024 "Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện", ngành GD-ĐT TP HCM đã triển khai nhiều nội dung. Trong đó, có phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành GD-ĐT, gồm: bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; kho học liệu được xây dựng theo một bộ tiêu chí cụ thể, đảm bảo chất lượng và đạt chuẩn...
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tp-hcm-khong-xet-thi-dua-doi-voi-tap-the-ca-nhan-bi-ky-luat-trong-nganh-giao-duc-a36032.html