Khi người Mỹ cũng như thế giới nghĩ về nước Đức, những ký ức về chiến tranh thế giới thứ 2 và chủ nghĩa phát xít Hitler thường ngay lập tức xuất hiện. Thế nhưng, một điều nữa mà thế giới phải công nhận, đó là nước Đức chính là cái nôi của nền công nghiệp châu Âu, là nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm chất lượng cao xuất sang các nước trên thế giới. Chính nước Đức đã cứu khu vực đồng Euro thoát khỏi đổ vỡ vào năm 2012 khi khủng hoảng tài chính nổ ra.
Người lao động Đức cũng được bảo vệ tốt nhất và có thời gian làm việc ít hơn so với người lao động của các nước. Họ làm việc trung bình 35 giờ mỗi tuần nhưng lại có năng suất lao động cao hơn nhiều so với thế giới. Lý do nằm ở đâu?
1. Giờ làm việc nghĩa là giờ làm việc
Một chân lý rất đơn giản, nhưng không phải nền sản xuất nào cũng “thấu” được chân lý này. Trong văn hóa doanh nghiệp của Đức, khi một công nhân làm việc, họ chuyên tâm vào công việc hơn là bất cứ một thứ gì khác. Lướt facebook, tán chuyện với đồng nghiệp và sau đó vẽ lăng nhăng ra giấy khi thấy sếp bước vào phòng đều bị xem là những hành vi không thể chấp nhận đối với người lao động ở Đức.
Đối với các nước công nghiệp khác, thói quen chuyên tâm công việc có thể được rèn giũa qua người quản lý nhưng đối với người Đức, đây được xem như bản tính vốn có. Trong bộ phim tài liệu “Hãy biến tôi thành một người Đức” của BBC, một phụ nữ Đức trẻ đã lý giải cú sốc văn hóa mà cô gặp phải trong một chuyến trao đổi công việc ở Anh: “Tôi đến Anh trong một chuyến trao đổi công tác…Tôi ở trong văn phòng và thấy người ta nói chuyện suốt cả buổi về những thứ rất riêng tư, chẳng hạn như tối nay bạn sẽ làm gì, rồi họ uống café suốt cả buổi”. Người Đức không như vậy và họ cảm thấy ngạc nhiên về những điều đó.
2. Đánh giá cao việc hướng tới mục tiêu, làm việc trực tiếp
Văn hóa doanh nghiệp Đức có tính tập trung cao và giữ các mối liên lạc công việc trực tiếp. Các công nhân có thể trực tiếp phản ánh với giám đốc về một sản phẩm, sử dụng ngôn ngữ công việc một cách thẳng thắn mà không phải đề cao những ngôn từ văn hoa lịch sự mất thời gian. Chẳng hạn, một người Mỹ sẽ nói: “Thật tuyệt vời nếu anh có thể nộp báo cáo cho tôi trước 3 giờ chiều”. Trong khi đó, một người Đức sẽ nói: “Tôi cần báo cáo trước 3 giờ chiều”.
3. Cuộc sống ngoài công việc
Chính vì giờ làm việc được tập trung vào công việc nên giờ nghỉ đối với người Đức cũng thực sự là giờ nghỉ. Người Đức thường quan niệm sự tách bạch giữa công việc và cuộc sống riêng tư. Thậm chí chính phủ Đức còn đang xem xét một lệnh cấm những thư điện tử liên quan đến công việc được gửi cho người làm sau 6 giờ chiều, nhằm tránh sự lạm dụng các phương tiện điện tử làm ảnh hưởng đến giờ nghỉ của nhân viên.
Nhờ có năng suất lao động cao, người Đức cũng được hưởng nhiều ngày nghỉ mà vẫn được trả lương, lên tới 25 – 30 ngày/năm. Nới rộng số ngày nghỉ được trả lương nghĩa là các gia đình có thể sắp xếp thời gian tới gần cả tháng ở bên nhau, cùng đi du lịch mà không phải bận tâm nhiều với công việc. Và đây cũng là cách để họ sẽ chú tâm với công việc, nâng cao năng suất lao động hơn sau mỗi kỳ nghỉ.
Sưu tầm
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tai-sao-nguoi-duc-lam-viec-ma-nang-suat-cao-nhat-gioi-a362.html