Xe Nhật thất thế trước xe Trung Quốc ở 'mảnh đất' màu mỡ nhất thế giới, đối mặt quyết định khó: Đi hay ở?

Nhiều hãng xe Nhật Bản đang cân nhắc lựa chọn có nên đầu tư tiếp vào thị trường Trung Quốc hay không.

Tại thị trường xe lớn nhất thế giới - Trung Quốc, các thương hiệu xe Nhật Bản đang rất vất vả để cạnh tranh với các nhà sản xuất xe điện nội địa, và họ đang suy tính xem liệu có nên cắt lỗ ở đây và tập trung nguồn lực cạnh tranh và duy trì vị thế ở các thị trường khác không.

Trong nửa năm tài khóa đầu tiên (từ tháng 4 đến tháng 9), Honda, Nissan, Mazda, Mitsubishi và Subaru báo cáo sự sụt giảm doanh số so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số của Toyota tại Trung Quốc gặp ít biến động nhưng cũng không khiến thương hiệu xe Nhật Bản bớt lo ngại với thị trường này.

Một vài trường hợp sụt giảm doanh số tệ nhất có thể kể tới như Mitsubishi - giảm 60%, Subaru giảm 37% và Nissan giảm 20%.

Xe Nhật thất thế trước xe Trung Quốc ở mảnh đất màu mỡ nhất thế giới, đối mặt quyết định khó: Đi hay ở? - Ảnh 1.

Doanh số Mitsubishi tại Trung Quốc giảm tới 60%.

THẤT THẾ TRƯỚC CÁC THƯƠNG HIỆU NỘI ĐỊA

Các nhà sản xuất xe ngoài Trung Quốc đang dần bị các thương hiệu nội địa đẩy tới bờ vực thẳm. Khi xe điện chiếm ngày một nhiều thị phần, các nhà sản xuất xe của Trung Quốc đã có lần đầu tiên vượt doanh số của các thương hiệu nước ngoài.

Năm nay chính là lúc BYD vượt qua Volkswagen và trở thành thương hiệu bán xe chạy nhất Trung Quốc. Tesla là thương hiệu Mỹ duy nhất có sản phẩm nằm trong bảng xếp hạng 10 mẫu xe bán chạy nhất Trung Quốc nửa năm đầu tiên, trong khi đó thì Ford và một vài thương hiệu khác đã giảm mức đầu tư. Ở chiều ngược lại, Volkswagen và General Motors vẫn có vẻ quyết tâm chinh phục Trung Quốc với kế hoạch ra mắt một loạt các mẫu xe điện mới.

Tháng trước, Mitsubishi cho biết hãng đã rút khỏi liên doanh với Guangzhou Automobile Group và đóng cửa nhà máy của mình tại Trung Quốc. Điều này xảy ra sau khi Mitsubishi chỉ bán dược 31.826 chiếc xe tại đây năm ngoái, trong khi trước đại dịch - năm 2019, Mitsubishi bán được tới 123.581 chiếc.

Để dễ hiểu hơn về tình hình của Mitsubishi, ta cần nhớ rằng trong năm 2022, Trung Quốc vẫn duy trì vị thế thị trường xe lớn nhất thế giới khi tiêu thụ 23.563.247 chiếc xe.

Nhận định về tình hình, Giám đốc Tài chính Mitsubishi Kentaro Matsuoka cho biết: "Công cuộc chuyển đổi sang xe điện diễn ra nhanh hơn kỳ vọng, và cách khách hàng lựa chọn phân khúc và thương hiệu cũng thay đổi rõ rệt".

Xe Nhật thất thế trước xe Trung Quốc ở mảnh đất màu mỡ nhất thế giới, đối mặt quyết định khó: Đi hay ở? - Ảnh 2.

Airtrek là mẫu xe điện Mitsubishi cùng GAC phát triển dành riêng cho Trung Quốc.

Biến động tại thị trường xe lớn nhất thế giới đã khiến nhiều thương hiệu xe Nhật Bản phải trông chờ vào thị trường xe Mỹ, nơi mà doanh số vẫn đang tăng trưởng tốt. Nhờ kinh doanh tốt ở Mỹ, Toyota, Mazda và Subaru đã tăng mức lợi nhuận dự kiến của năm nay lên hơn 40%.

Cách đây ít hôm, Mazda đã hạ mức doanh số toàn cầu dự kiến cả năm dù rằng doanh số tại Mỹ vẫn tăng trưởng tốt; thương hiệu này cho rằng điều đó là do tác động từ thị trường Trung Quốc và Thái Lan. Giám đốc Tài chính Mazda Jeffrey Guyton cho rằng xe điện tại 2 quốc gia này đang trên đà phát triển mạnh, khiến cho nhu cầu xe xăng của Mazda giảm.

Sau nhiều thập kỷ lập nghiệp và kinh doanh tại Trung Quốc, các hãng xe Nhật Bản giờ đang trong tình thế co thủ. Cả năm vừa qua, Toyota đã cắt giảm nhiều nhân công tại Trung Quốc; Honda và Nissan cũng đã giảm công suất nhà máy ở đây.

NÊN KHÔNG ĐẦU TƯ TIẾP VÀO TRUNG QUỐC?

Mitsubishi đóng cửa nhà máy theo sau việc làm tương tự của Stellantis - rút khỏi một liên doanh tại Trung Quốc mà đã sản xuất và phân phối xe thuộc thương hiệu Jeep. Cho tới nay thì chưa hãng xe Nhật Bản nào theo chân Mitsubishi.

Trong tương lai, nhiều hãng xe Nhật Bản sẽ đánh cược vào những mẫu xe điện sẽ ra mắt trong vài năm tới với kỳ vọng đảo ngược chiều gió. Giám đốc Tài chính Mazda cũng cho biết rằng hãng sẽ giữ nguyên hệ thống đại lý tại Trung Quốc và chờ những mẫu xe điện mới.

Tuy nhiên, giám đốc nhiều thương hiệu cũng đang cân nhắc xem liệu có tốt hơn không khi tăng đầu tư vào các thị trường để duy trì vị thế mà xe Nhật đã có được từ lâu, ví dụ như tại Đông Nam Á - cũng là nơi mà cơn lũ xe điện giá rẻ các nhà sản xuất xe Trung Quốc đang ập tới.

Xe Nhật thất thế trước xe Trung Quốc ở mảnh đất màu mỡ nhất thế giới, đối mặt quyết định khó: Đi hay ở? - Ảnh 4.

Trước sự lên ngôi của xe điện, nhiều hãng xe đã phát triển các mẫu xe dành riêng cho thị trường này. Toyota bZ3 là mẫu xe điện chỉ bán tại Trung Quốc.

Khi Mitsubishi rời bỏ Trung Quốc thì Đông Nam Á là thị trường mà hãng này coi là hồng tâm. Kế hoạch của hãng tại Đông Nam Á có phần ra mắt nhiều mẫu xe mới, bao gồm xe bán tải.

Trong số các nhà sản xuất xe Nhật Bản, Toyota là hãng xe duy nhất duy trì được doanh số tại Trung Quốc trong nửa đầu năm tài khóa (từ tháng 4 đến tháng 9), nhưng Toyota cũng không mấy lạc quan khi đã phải hạ doanh số cả năm dự kiến tại châu Á vì những biến động mà hãng cho rằng đã nhìn thấy tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Đối mặt với cạnh tranh gắt tại Trung Quốc, Giám đốc Tài chính Toyota Yoichi Miyazaki cho biết rằng doanh số xe điện của hãng ở đây sẽ không mấy khả quan, nhưng vẫn có thể duy trì được tổng doanh số vì dòng xe hybrid có nhu cầu tốt.

Ông Yoichi Miyazaki cũng cho biết rằng ở Đông Nam Á và các khu vực khác, "các nhà sản xuất Trung Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục gia tăng xuất khẩu xe điện và mở rộng hoạt động". Câu hỏi đặt ra cho Toyota là khi nào sẽ giới thiệu những mẫu xe điện mới tại những thị trường đó và liệu có tính đến sản xuất tại chỗ không.

Xem thêm:

Tin liên quan

Ô tô Trung Quốc ồ ạt đổ bộ Trung Đông nhưng vấp 'đá tảng': Khi giá rẻ không phải tất cả

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/xe-nhat-that-the-truoc-xe-trung-quoc-o-manh-dat-mau-mo-nhat-the-gioi-doi-mat-quyet-dinh-kho-di-hay-o-a37566.html