Lịch sử, Tiếng Anh là môn thi tự chọn: Có mất giá trị của môn học?

Việc quyết định nhóm môn bắt buộc, tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cần phải cân nhắc kỹ đảm bảo đánh giá chất lượng đào tạo sau 12 năm học.

Theo dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 vào quý IV/2023, tuy nhiên đến nay về số môn thi, đặc biệt liên quan đến các môn bắt buộc và tự chọn vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều.

Trong số 3 phương án, thì việc thí sinh phải thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong  số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử) được quan tâm hơn cả.

Giáo viên lo lắng mất vị trí môn học

Là giáo viên dạy môn Lịch sử ông ông Hồ Như Hiển - Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hoá rất lo lắng khi mặc dù đây đã trở thành môn bắt buộc nhưng khi đi thi Lịch sử vẫn thuộc nhóm môn tự chọn.

Vị giáo viên này bày tỏ theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, xây dựng cho công dân tương lai những phẩm chất yêu nước, nhân ái, trung thực, chăm chỉ và trách nhiệm.

“Do đó, môn Lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình, môn Lịch sử chưa có được vị trí và vị thế xứng đáng, điều này gây ra những lo lắng, bức xúc của dư luận xã hội, giáo viên và học sinh.

Hiện nay, Lịch sử là môn học bắt buộc với số tiết ít nhất trong các môn học, nếu đưa Lịch sử là môn lựa chọn thi theo phương án 2+2 là không hợp lý, đi ngược lại với dư luận xã hội và mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Hồ Như Hiển cho biết.

Giáo dục - Lịch sử, Tiếng Anh là môn thi tự chọn: Có mất giá trị của môn học?

Nhiều băn khoăn về việc môn nào thuộc nhóm tự chọn (Ảnh: Trọng Tùng).

Theo giáo viên việc lựa chọn thi sẽ khiến việc bắt buộc học là vô nghĩa, điều này gây nên những hậu quả với giáo dục lịch sử mà trong tương lai gần khó có thể khắc phục. Ông Hiển đề nghị Bộ GD&ĐT hết sức cân nhắc, cần đưa Lịch sử là môn bắt buộc ở mọi phương diện.

Với góc độ giáo viên phổ thông, đã từng dạy cả chương trình cũ và chương trình mới, ông Hồ Như Hiển nhận thấy: “Chương trình mới có nhiều ưu điểm nhưng cũng tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, phương án thi tốt nghiệp hiện nay vẫn đang còn gây tranh luận lớn trong dư luận xã hội và ngay trong bản thân ngành giáo dục”.

Thầy giáo đưa ra phân tích Bộ GD&ĐT đã đưa ra các phương án thi như 4+2, 3+2 hay mới đây nhất là 2+2. Thực tế, đưa ra nhiều phương án thi là do môn Lịch sử đã từ môn lựa chọn thành môn học bắt buộc, nên ở đây cần cân nhắc chính là môn Lịch sử sẽ bắt buộc thi hay không.

“Tôi loại trừ phương án 2+2 và 4+2, đề nghị phương án 3+2, trong đó 3 môn bắt buộc thi là Toán, Văn, Lịch sử và 2 môn lựa chọn. Như vậy vừa có thể giảm tải áp lực cho học sinh và phụ huynh, đáp ứng sự mong mỏi của xã hội, phù hợp với mục tiêu phát triển của chương trình, đồng thời giữ được vị trí quan trọng của giáo dục lịch sử trong trường phổ thông”, ông Hồ Như Hiển đưa ra quan điểm.

Để học sinh lựa chọn bình đẳng các môn thi

Tuy nhiên, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng phương án 2+2 thi tốt nghiệp THPT phù hợp theo bối cảnh hiện nay, đảm bảo các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GD&ĐT hướng đến cũng như đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 và Nghị quyết số 88.

Trước băn khoăn các môn Ngoại ngữ và Lịch sử là môn tự chọn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: “Toán và Ngữ văn là 2 môn tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước lựa chọn trong đánh giá năng lực, cũng như thi tốt nghiệp cấp THPT... Ngoài ra, các khối tổ hợp môn học chính ở THPT đều liên quan đến 2 môn học này”.

Trong mùa tuyển sinh vừa qua, trong số các trường đại học đào tạo ngành y ở Việt Nam, có nhiều trường dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển. Ngoài ra, phương án này phù hợp cho cả 2 đối tượng thí sinh hệ phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên,..”.

Giáo dục - Lịch sử, Tiếng Anh là môn thi tự chọn: Có mất giá trị của môn học? (Hình 2).

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng phương án 2+2 là phù hợp xu thế hiện nay.

Ngoài ra, việc thi 2 môn tạo sự hài hòa cho các khối tổ hợp môn học ở THPT, phù hợp, thuận tiện cho cả 2 đối tượng thí sinh hệ phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Đối với những lo lắng về học sinh không chọn môn Ngoại và Tiếng Anh, ông Đỗ Ngọc Thống bày tỏ: “Ngoại ngữ, Lịch sử vốn đã bắt buộc, được chú ý trong dạy học hằng ngày, nên lúc thi cử cũng để học sinh tự chọn bình đẳng như các môn học còn lại”.

Ngoài phương án thi, ông Thống cũng cho rằng xây dựng nội dung đề thi để đáp ứng yêu cầu mới là điều đáng cần quan tâm.

“Đề thi thế nào để đánh giá năng lực ở mỗi môn học? Cần thay đổi thế nào trong bối cảnh một chương trình nhiều sách giáo khoa và mong muốn chống nạn chép văn mẫu? Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cũng cần tổ chức nghiên cứu, tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ ra đề thi theo yêu cầu mới; thử nghiệm và công bố sớm phạm vi, mô hình, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của các môn học...”, ông Đỗ Ngọc Thống đánh giá.

Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, triển khai phương án, nhiệm vụ thi năm 2024, Bộ GD&ĐT dự kiến kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bao gồm 11 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học. Trong đó có môn bắt buộc và môn lựa chọn. 
Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. 

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/lich-su-tieng-anh-la-mon-thi-tu-chon-co-mat-gia-tri-cua-mon-hoc-a37652.html