Xã hội hoá giáo dục - nhiều vấn đề dang dở chưa thực hiện

Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, để xã hội chung tay phát triển giáo dục là điều cần thiết, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chính sách hàng đầu, tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, đến nay vẫn còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, số lượng giáo viên, chất lượng giáo dục. Những vấn đề tồn tại kể trên của ngành chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của cộng đồng xã hội.

Ở cuối những năm 90 của thế kỷ XX, thuật ngữ xã hội hoá giáo dục được đưa ra với 4 nội dung: Giáo dục hoá xã hội: Làm cho xã hội trở thành một xã hội học tập; Cộng đồng trách nhiệm: vận động toàn dân chăm sóc thế hệ, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình và xã hội, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng góp xây dựng giáo dục; Đa dạng hoá loại hình đào tạo; Đa phương hoá nguồn lực.

Xác định được vị trí của xã hội hoá giáo dục, nhiều chủ trương, chính sách huy động nguồn lực xã hội đã được xây dựng và triển khai. Tuy nhiên, đến nay khung hành lang pháp lý vẫn còn nhiều vướng mắc, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về vấn đề này gây lãng phí nguồn lực, khiến đây là một trong những nội dụng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trăn trở nỗi lo thiếu trường, thiếu lớp

Chia sẻ với Người Đưa Tin, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoànHải Dương) - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhìn nhận, thời gian qua, xã hội hoá giáo dục bước bước đầu đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, nổi bật nhất có thể kể đến là thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018.

Trong đầu tư vào giáo dục thì không thể nhắc tới hệ thống các trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học được phát triển mạnh mẽ.

Có thể nói hệ thống trường lớp ngoài công lập có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển giáo dục, giúp chia sẻ áp lực đối với hệ thống giáo dục công lập. Khi nước ta hiện nguồn ngân sách có hạn, chưa giành được cho giáo dục, thì việc xã hội hoá chia sẻ gánh nặng rất nhiều cho nguồn lực Nhà nước.

Về phía người học nhờ có xã hội hoá, các em có quyền lợi khi được lựa chọn những cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp với bản thân. Dễ dàng có thể nhận thấy nhờ sự phát triển của hệ thống cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT được học đại học tăng đáng kể so với việc chỉ có các trường công lập.

Giáo dục - Xã hội hoá giáo dục - nhiều vấn đề dang dở chưa thực hiện

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Tuy nhiên trong thời gian tới, để xã hội hoá giáo dục được thực sự hiệu quả cần phải đẩy mạnh một số vấn đề: 

Thứ nhất, quan tâm hơn nữa đến các chế độ chính sách ưu đãi cho việc xã hội hoá giáo dục, đặc biệt đối với các tổ chức cá nhân đầu tư vào hệ thống trường lớp phổ thông. Vì trên thực tế trường lớp vẫn còn quá thiếu so với nhu cầu, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ví dụ Hà Nội là nơi nhiều năm qua tình trạng các em học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không thể vào học các trường THPT công lập gia tăng mạnh mẽ, câu hỏi đặt ra mỗi mùa tuyển sinh là các em sẽ học ở đâu khi chúng ta chưa phát triển đủ các trường công lập?

Lúc này, để đảm bảo an sinh xã hội cần đẩy mạnh đầu tư các trường tư nhưng phải giảm mức chênh về học phí giữa trường công và trường tư hạn chế gây khó khăn với các con em gia đình có thu nhập trung bình và thấp khi theo học.

Thứ hai, chúng ta chưa có nhiều chế độ hấp dẫn với các nhà đầu tư, không kêu gọi được hệ thống xã hội hoá vì không có ưu đãi hấp dẫn trong khi đầu tư cho giáo dục không phải thu lời được ngay lập tức.

Khi tham gia xây dựng một cơ sở giáo dục bậc THPT, các tổ chức sẽ được ưu đãi về thuê, đất tuy nhiên để đạt điều kiện trường chuẩn cần đầu tư lớn về cơ sở vật chất, sau đó cũng cần có thời gian để họ khẳng định mình để thu hút học sinh cho nên không thể ngày một ngày hai để thu hồi vốn.

Nhưng vẫn với số tiền đó người ta đầu tư vào lĩnh vực khác như đất đai, bất động sản, sản xuất, kinh doanh thì có thể lợi nhuận lớn hơn và thu hồi vốn nhanh hơn. Làm giáo dục vừa khó và phải bài bản nên cần phải có chính sách ưu đãi hơn nhằm thu hút các nguồn lực tham gia.

Đặc biệt, số lượng trường lớp ở bậc mầm non là điều rất lưu tâm. Do thiếu trường người dân phải gửi con ở các nhóm trẻ tư nhân không đảm bảo điều kiện an toàn, thậm chí nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra khiến tôi rất trăn trở cần có hành lang pháp lý phát triển làm sao giải quyết được vấn đề này.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch vô cùng quan trọng, chúng ta khuyến khích xã hội hoá nhưng phải phân bổ nguồn lực hợp lý. Có những lĩnh vực xã hội hoá rất tốt nhưng vẫn được tiếp tục quan tâm đầu tư như ở bậc giáo dục đại học ngược lại hiện nay vẫn nhiều nội dung rất ít được xã hội hoá, ở đây đòi hỏi vai trò của Nhà nước phải nghiên cứu có những khuyến khích nhất định để thu hút đầu tư ở những lĩnh vực cần và đang thiếu.

Đảm bảo công bằng trong việc thụ hưởng

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, chủ trương xã hội hoá giáo dục đã có từ rất sớm, ngay từ khi nước ta giành độc lập cho đến sau này hoạt động này ngày càng được mở rộng mạnh mẽ. Trong thời gian qua, đặc biệt là 30 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các cá nhân, tổ chức tư nhân tham gia vào phát triển giáo dục.

Giáo dục - Xã hội hoá giáo dục - nhiều vấn đề dang dở chưa thực hiện (Hình 2).

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Hằng năm, từ xã hội hoá nhiều học sinh được đi du học, tiếp cận với những kiến thức trên thế giới. Ở những vùng sâu, vùng xa, đời sống còn quá khó khăn hiện nay thì cũng nhờ xã hội hoá mà gia tăng đáng kể tỉ lệ các em tới trường.

Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức của trong cộng đồng trong hoạt động xã hội hoá giáo dục. Đảm bảo công bằng trong việc thụ hưởng các chính sách đãi ngộ giáo dục. Quản lý về xã hội hoá giáo dục hiện nay phải xây dựng một cơ chế cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Cũng có trường hợp lãng phí, quản lý các dự án, chương trình mục tiêu huy động từ xã hội hoá có hiệu quả thiết thực.

Để doanh nghiệp an tâm đầu tư

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) khẳng định rằng, xã hội hoá giáo dục là chủ trương đúng đắn cần được đẩy mạnh phát huy. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn chưa được triển khai có hiệu quả. Trên thực tế hiện nay chưa có cơ chế riêng để thu hút nguồn lực xã hội hoá trong giáo dục chính còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước, điều này gây cản trở cho giáo dục phát triển, khiến cho giáo dục vẫn còn lệ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải rà soát lại văn bản để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội những chính sách mới để các nguồn lực tham gia đầu tư vào giáo dục thấy được hiệu quả thực sự.

Cần tạo ra một cơ chế để các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm, hoạt động đầu tư được hỗ trợ và đem lại hiệu quả, công khai minh bạch, nếu chúng ta không đưa ra vấn đề rõ ràng trong xã hội hoá thì những nhà đầu tư sẽ e ngại.

Cơ quan chủ quản ngành giáo dục phải thấy được cái khó của mình trong thu hút xã hội hoá như thế nào, từ đó tham mưu đề xuất những cơ chế riêng, mà điều này phải là người trong cuộc mới thấy được chứ không phải doanh nghiệp đi đề xuất. Ngành giáo dục phải “đứng mũi chịu sào” cho vấn đề này.

Cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi

Xã hội hoá sách giáo khoa là một trong những chính sách nổi bật của chủ trương xã hội hoá giáo dục hiện nay. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và 4 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, đến nay cơ bản hoạt động này đã có những kết quả bước đầu.

Tháng 12/ 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình GDPT mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Năm 2019, Bộ thành lập các hội đồng quốc gia thẩm định để thẩm định các bộ sách giáo khoa lớp 1, từ năm học 2020 - 2021 toàn quốc đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được đưa vào sử dụng: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và bộ Cánh Diều (của Công ty Cổ phần VEPIC kết hợp với một số nhà xuất bản).

Từ đó cho đến nay, theo lộ trình, năm học 2020 - 2021 sách giáo khoa lớp 1; 2021 - 2022 sách giáo khoa lớp 2 - lớp 6; 2022 - 2023 sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 đã được đưa vào nhà trường sử dụng đại trà; 2023-2024 là sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Giáo dục - Xã hội hoá giáo dục - nhiều vấn đề dang dở chưa thực hiện (Hình 3).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.

Tuy nhiên, bà cho rằng việc xã hội hoá gặp nhiều khó khăn bởi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên có một bộ sách giáo khoa. Quy định xã hội hoá nhưng việc biên soạn sách giáo khoa chưa có chính sách khuyến khích gì kèm theo.

Ngoài ra, đối với việc có nên hay không có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, trong bài phát biểu tại nghị trường Quốc hội sáng 1/1/2023, bà Thúy cho rằng Quốc hội khóa XV có quyền ban hành một Nghị quyết có nội dung khác với Nghị quyết 122.

Song, nữ đại biểu cũng băn khoăn có nên làm một việc xã hội đã làm không. Bà nhấn mạnh:“Việc thay đổi một chính sách lớn giữa chừng là một việc cần có thời gian nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cẩn trọng”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý cũng đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định.

“Cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi, nên chăng để thực hiện hết một chu kỳ (sau năm học 2024- 2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn”, đại biểu Kim Thuý nói.

Hoàng Bích - Cam Ly

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/xa-hoi-hoa-giao-duc-nhieu-van-de-dang-do-chua-thuc-hien-a39540.html