Việc ra 3 cuốn sách song ngữ giúp người Đức tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, đồng thời giúp con em người Việt sinh ra và lớn lên ở Đức giữ được tiếng Việt, hiểu về văn hóa, cội nguồn dân tộc.
Ngày 24/7 tại thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức, chị Ngô Thị Bích Thu, giảng viên ngôn ngữ tiếng Việt, cùng chồng là Giáo sư, Tiến sỹ Martin Großheim đã giới thiệu ba cuốn sách song ngữ Đức-Việt.
Đây là công trình nghiên cứu kéo dài gần 10 năm của hai tác giả nhằm mang ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đến gần hơn với những người muốn tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, cũng như đến gần hơn với các thế hệ con em cộng đồng người Việt ở Đức.
Ba cuốn sách được giới thiệu cho cộng đồng người Việt ở Berlin nói riêng và nước Đức nói chung gồm cuốn thành ngữ, tục ngữ Việt-Đức "Die Heuschrecke tritt den Elefanten oder David gegen Goliath - Châu chấu đá Voi hay David chống lại Goliath," cuốn "Modernes Vietnamesisch 1" và "Modernes Vietnamesisch 2" (Tiếng Việt hiện đại 1 và 2).
Cuốn sách đầu tiên bao gồm khoảng 1.500 thành ngữ và tục ngữ thông dụng, là cuốn thành ngữ, tục ngữ song ngữ đầu tiên được xuất bản tại Đức.
Đây là những câu thành ngữ, tục ngữ được đúc rút từ thực tế, trải qua nhiều thời kỳ, kể cả những biến thể mới của thành ngữ đang được sử dụng rộng rãi cũng được cập nhật trong sách.
Hai cuốn Tiếng Việt hiện đại được xây dựng theo các chủ đề khác nhau, không chỉ giúp tạo dễ dàng cho việc học tiếng Việt, tìm hiểu về văn hóa Việt, mà còn chứa đựng nhiều thông tin cập nhật về Việt Nam trên các lĩnh vực, phù hợp các cấp trình độ tiếng Đức từ A1 đến C2.
Đặc biệt, hai tác giả cũng giới thiệu một cách hệ thống về ngữ âm tiếng Việt, có cả bài tập và phần thu âm giọng bản ngữ (download miễn phí).
Chị Bích Thu, giảng viên môn tiếng Việt tại nhiều trường đại học ở Đức, cho rằng thành ngữ, tục ngữ là bộ phận không thể tách rời khỏi tiếng Việt và 1 người nước ngoài muốn hiểu rõ và sử dụng tiếng Việt thành thạo nhất định phải hiểu và sử dụng được thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt.
Xuất phát từ nhiệt huyết, sự yêu mến văn hóa Việt của hai tác giả cũng như nhu cầu tìm hiểu về thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của sinh viên, vợ chồng chị Bích Thu nhận thấy sự cấp thiết phải viết và xuất bản một cuốn sách như vậy, phù hợp với cả hai đối tượng là người Đức muốn tìm hiểu về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cũng như người Việt muốn tìm hiểu về nhân sinh quan và văn hóa của người Đức qua các câu thành ngữ, tục ngữ tương tự.
Trong khi đó, anh Großheim, hiện là giảng viên môn Lịch sử Việt Nam và Lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), cho biết thành ngữ, tục ngữ phản ánh một số nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam và cuốn sách ra đời nhằm giúp độc giả hiểu thêm về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Tác giả đã sử dụng phương pháp đối chiếu và so sánh, tìm những câu thành ngữ, tục ngữ tương đương trong tiếng Đức, giúp người đọc hiểu rõ nghĩa và cách sử dụng các câu của hai ngôn ngữ.
Với những câu tiếng Việt không thể tìm được câu tương đương trong tiếng Đức, tác giả dùng phương pháp tường giải để làm rõ, giúp người đọc có thể hiểu và dùng một cách dễ dàng, hiệu quả.
Theo Giáo sư Großheim, hiểu thành ngữ, tục ngữ cũng sẽ giúp hiểu hơn hai nền văn hóa, với nhiều điểm tương đồng bên cạnh không ít những dị biệt.
Về hai cuốn "Tiếng Việt hiện đại," Giáo sư Großheim nhấn mạnh nhu cầu cầu cần có một bộ giáo trình tiếng Việt hiện đại trong bối cảnh nhu cầu học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hoá Việt Nam ngày càng lớn ở Đức.
Bên cạnh đó, thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên ở Đức cũng cần được quan tâm và học tiếng Việt một cách chính đáng.
Tuy nhiên, việc phát âm tiếng Việt chuẩn là cực kỳ khó đối với người nước ngoài và hai cuốn sách Tiếng Việt hiện đại góp phần vào giải quyết vấn đề này, giúp ngược đọc học cả bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết tiếng Việt theo từng chủ đề và các chủ đề đều được dịch và giải thích kỹ bằng tiếng Đức.
Để lấy tư liệu và chất liệu cho các cuốn sách, vợ chồng tác giả đã nhiều lần về Việt Nam, đi thực tế khắp các vùng miền để tìm hiểu thêm thông tin và chụp ảnh tư liệu cho các cuốn sách.
Do chính là những người giảng dạy về ngôn ngữ hàng chục năm cho người Đức và người nước ngoài cũng như người gốc Việt tại các trường đại học, nên nội dung trong các cuốn sách là sự chắt lọc tinh túy những gì người đọc cần khi muốn tìm hiểu về tiếng Việt và ngôn ngữ Việt.
Giáo sư Großheim cho biết đây là lần đầu tiên các cuốn sách được chính thức giới thiệu đến rộng rãi với cộng đồng người Việt ở Berlin cũng như nước Đức, mặc dù ba cuốn sách đã được xuất bản một thời gian và hiện đã được đưa vào giảng dạy trong bộ môn tiếng Việt tại một số trường đại học ở Đức.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Bích Thu cho biết xuất bản được ba cuốn sách là việc làm rất khó khăn, mất nhiều công sức và cần có sự kiên trì, bền bỉ trong suốt quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, việc ra sách để giúp người Đức tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, nhất là giúp các cháu là con em các thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở Đức, là việc làm rất cần thiết, qua đó giúp các cháu giữ được tiếng Việt, hiểu được văn hóa và cội nguồn dân tộc.
Qua quá trình giảng dạy, bản thân chị cùng chồng đúc rút ra kinh nghiệm và những điều người học mong muốn, và nhờ vào vốn sống và những trải nghiệm thực tế ở các vùng miền tại Việt Nam, nên khi được xuất bản, các cuốn sách đã nhanh chóng đến được với những người quan tâm và được đánh giá rất cao trên trang Amazon.
Điểm nổi bật của các cuốn sách là tính cập nhật ngôn ngữ và những thông tin mới, cách xây dựng bố cục nhẹ nhàng, mang tính hệ thống và không quá nặng về lý thuyết.
Đặc biệt, phần ngữ âm và cách xưng hô trong tiếng Việt rất được chú trọng, với cách giải thích cụ thể cùng nhiều ví dụ thực tiễn để so sánh.
Phát biểu tại buổi giới thiệu sách, Tiến sỹ Phạm Ngọc Kỳ đánh giá cao công trình và tâm huyết mà đồng tác giả dành cho ba cuốn sách.
Theo ông, đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, việc gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt là điều rất quan trọng và với 3 tác phẩm đã xuất bản, các tác giả đã làm được điều rất có ích, đặc biệt là cuốn thành ngữ và tục ngữ Việt-Đức với những câu vốn đã đi sâu vào cuộc sống hằng ngày của người Việt từ xưa đến nay.
Các khách mời tham dự buổi ra mắt sách, trong đó có rất nhiều chuyên gia ngôn ngữ học và một số sinh viên đang học tiếng Việt, cũng đánh giá cao giá trị trong các sản phẩm của hai tác giả, bày tỏ mong muốn cuốn sách sẽ được đông đảo cộng đồng người Việt ở Đức biết tới, cùng chia sẻ, thảo luận trên các diễn đàn nhằm hoàn thiện và mở rộng hơn nữa các nội dung cùng quan tâm./.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/dua-ngon-ngu-van-hoa-viet-gan-hon-ban-va-viet-kieu-o-duc-a3973.html