Sức khỏe tâm thần (SKTT) của học sinh đang là vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây. Các vấn đề SKTT như lo âu, trầm cảm… không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh mà còn có tác động tiêu cực đến kết quả học tập và cuộc sống của bản thân các em và gia đình. Giúp học sinh có SKTT khỏe mạnh để các em có thể học tập hiệu quả là một trong những trách nhiệm của cha mẹ học sinh, giáo viên và nhà trường.
Được sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn cuốn Tài liệu truyền thông về SKTT của học sinh phổ thông nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho nhân viên y tế trường học, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, và cha mẹ học sinh về sự phát triển thể chất, tâm lý của học sinh, về một số vấn đề SKTT phổ biến của các em, và một số biện pháp để nâng cao SKTT cho các em.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu của tài liệu là giúp cán bộ y tế trường học, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh: Hiểu về tầm quan trọng của SKTT trong trường học; Biết được các giai đoạn phát triển của trẻ em; Biết các biện pháp nâng cao SKTT tích cực cho học sinh trong trường học; Nhận diện được các dấu hiệu bất thường về SKTT của học sinh; Đồng thời áp dụng được một số biện pháp hỗ trợ học sinh có biểu hiện bất thường về sức khỏe tâm thần. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến SKTT trong trường học.
Tài liệu sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử không chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn của tất cả các cơ sở giáo dục, từ tiểu học đến trung học phổ thông, các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước, được khai thác, sử dụng làm tài liệu để tổ chức và triển khai một số giải pháp nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh trong trường học.
Bộ tài liệu gồm 73 trang với ba chương. Trong đó, chương 1 thông tin về sự phát triển của trẻ em và học sinh trên các phương diện cảm xúc và nhận thức xã hội, đạo đức, não bộ và quá trình học tập.
Chương hai tập trung vào chủ đề nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh với các giải pháp, trách nhiệm của các bên như nhà trường, giáo viên, nhân viên y tế trường học, phụ huynh. Chương này cũng đề cập đến các hiến lược quản lý hành vi trong trường học như tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục phòng ngừa khó khăn tâm lý và hành vi nguy cơ, các dấu hiệu chỉ báo cần lưu ý…
Chương ba đi sâu về một số vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh như căng thẳng và rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn sau sang chấn, tăng động giảm chú ý, các vấn đề về hành vi chống đối, vấn đề về sử dụng chất gây nghiện…
Thông tin cụ thể nội dung tài liệu xem tại đây.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, BĐT Chính phủ)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/ban-hanh-tai-lieu-ve-cham-soc-suc-khoe-tam-than-cho-hoc-sinh-a40364.html