Hiện nay, người lao động dù có kinh nghiệm hay là sinh viên mới ra trường đều có khoảng thời gian thử việc tại doanh nghiệp để nhằm giúp làm quen, hiểu văn hoá công ty và kiểm tra trình độ năng lực.
Để đem lại hiệu quả, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra chi phí, thời gian đào tạo nhân lực tuy nhiên ở chiều ngược lại họ cũng cần có sự cam kết của người lao động.
Là doanh nghiệp trong ngành công nghệ, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Xuân Tiến - Đại diện Công ty Ninety Eight bày tỏ việc doanh nghiệp lo lắng phải đào tạo sinh viên mới ra trường chỉ đúng một phần.
“Quá trình đào tạo lại là cần phải có bởi sinh viên được đào tạo chuyên môn nhưng chưa qua thực tế, chưa thể hình dung đầy đủ và đúng đắn về môi trường lao động. Tuy vậy, đây cũng là một thế mạnh bởi sự nhiệt huyết và sức trẻ của sinh viên phù hợp với nhiều công việc cần sáng tạo”, ông Tiến bày tỏ.
Đánh giá về tình hình tuyển dụng trong bối cảnh hiện nay, ông Tiến thông tin thêm trong thời điểm suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp ngoài cắt giảm nhân sự, hạn chế tuyển dụng còn áp dụng tuyển nhân sự có kinh nghiệm với giá sinh viên. Điều này khiến sinh viên ra trường vừa khó cạnh tranh về kiến thức, kinh nghiệm lẫn giá thành lao động.
“Tuy nhiên, với việc có rất nhiều công nghệ mới như blockchain, thương mại điện tử, mạng xã hội, các nền tảng nội dung. Đây chính là không gian để mỗi sinh viên tự trau dồi, thử nghiệm kiến thức học được từ ghế nhà trường. Xây dựng kiến thức mới, đón đầu công nghệ chính là chìa khóa để sinh viên khác biệt trong thị trường lao động”, ông Tiến chia sẻ.
Đối với lĩnh vực y dược, bà Phạm Hải Yến - Trưởng phòng tuyển dụng Miền Bắc - Công ty cổ phần Vắc- xin Việt Nam cho biết: “Hiện nay đối với hệ sinh thái y dược của chúng tôi không chỉ đào tạo những sinh viên mới ra trường, mà còn phải đào tạo cả những nhân sự đã có kinh nghiệm để phù hợp với hệ thống.
Sinh viên mới ra trường tùy vào từng vị trí công việc mà có thời gian đào tạo khác nhau. Có vị trí chỉ khoảng 2 tháng, nhưng cũng có vị trí mất đến 6 tháng mới làm được việc”.
Theo bà Yến các doanh nghiệp không chỉ ngành y tế mà còn các ngành khác như F&B, công nghệ thông tin, thương mại… thì việc đào tạo lại sinh viên mới ra trường cũng đối mặt với nhiều rủi ro cao kèm theo khi nhiều em vừa hoàn thành đào tạo để đáp ứng công việc lại xin nghỉ khiến lãng phí thời gian, nguồn lực của công ty.
Các bạn sinh viên hiện nay có ưu điểm khả năng nắm bắt công nghệ, xu hướng nhanh, năng động, nhiều nhiệt huyết, có tinh thần học hỏi cao. Tuy nhiên theo bà Yến các em không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, quá chú trọng lương, thưởng mà quên mất bản thân sẽ làm được gì cho doanh nghiệp.
“Quan trọng nhất của sinh viên khi tham gia vào thị trường lao động các bạn cần có mục tiêu, định hướng rõ ràng về ngành nghề mong muốn. Và phải rất quyết tâm để đạt được mục tiêu đặt ra”, bà Yến đưa ra lời khuyên.
Theo đó, khi tham gia vào thị trường lao động các bạn sinh viên cần có những kỹ năng sau kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, quản lý và lập kế hoạch thời gian, giải quyết vấn đề, làm việc đội nhóm, khả năng thích nghi và thay đổi với môi trường, chịu được áp lực công việc, khả năng ngoại ngữ tốt.
Bà Phạm Hải Yến chia sẻ: “Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ của trường. Tham gia các diễn đàn, hội nhóm liên quan đến lĩnh vực mình mong muốn phát triển. Có thói quen đọc các tài liệu/ bài báo liên quan đến chuyên ngành mình học, nắm được xu hướng xã hội. Đặc biệt là tham gia vào các hoạt động mang tính chất cộng đồng”.
Tham gia tuyển dụng nhiều năm, bà Đào Trần Linh - Quản lý kinh doanh cụm kênh hợp tác ngân hàng tại một hãng bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam đánh giá đối với ngành bảo hiểm việc phải trải qua một khoá học về sản phẩm, phương pháp chăm sóc khách hàng,…là rất quan trọng.
“Ngay cả khi bạn có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nhưng khi sang một công ty khác với các sản phẩm khác nhau thì người lao động vẫn cần phải học. Thậm chí, để có thể là nhân viên chính thức phải có chứng chỉ hoàn thành khoá học do công ty tổ chức. Việc có chương trình đào tạo như vậy sẽ giúp nâng cao chất lượng nghiệp vụ của nhân viên, dễ dàng quản lý nhân sự về sau. Rất khó đòi hỏi ngành của chúng tôi không qua đào tạo mà làm được việc”, bà Đào Trần Linh bày tỏ.
Theo bà Linh, đối với ngành bảo hiểm nói riêng việc bỏ thời gian, kinh phí đào tạo nhân sự là lẽ dĩ nhiên, thậm chí diễn ra thường xuyên ngay bản thân đối với những nhân viên lâu năm.
“Các em sinh viên có sự năng động, sáng tạo, tuy nhiên cũng cần chú ý đến sự kỷ luật, sẵn sàng học hỏi, đánh giá đúng khả năng của mình. Nếu đáp ứng đủ những yêu cầu của nhà tuyển dụng đưa ra, lực lượng lao động này vẫn được ưu tiên và được đa số các công ty lựa chọn”, bà Linh cho biết.
Theo Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 3/2023 của Bộ LĐTB&XH đã công bố. Triển vọng thị trường lao động quý 4/2023, số người có việc làm sẽ tăng hơn. Dự báo, cả nước sẽ có 51,3 triệu người lao động có việc làm. Một số ngành sẽ tăng người làm việc, đồng nghĩa với các doanh nghiệp sẽ cần tuyển dụng nhiều lao động, gồm có: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước, tăng 2,4%; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, tăng 2,2%.
Trong khi đó, 3 ngành sẽ giảm số lao động làm việc, là: Sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/doanh-nghiep-lo-lang-dao-tao-xong-sinh-vien-bo-viec-a41308.html