Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, chiều mai (29/11), Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Đáng chú ý về phía Bộ GD&ĐT, chi phí mỗi buổi thi tốt nghiệp THPT là hơn 400 tỷ đồng, nên phương án thi 4 môn không chỉ giảm áp lực mà giảm cả chi phí.
Theo Bộ GD&ĐT, đây là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối Khoa học Xã hội nhiều hơn Khoa học Tự nhiên như hiện nay.
Dự kiến các phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, đầu tháng 11 vừa qua, dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Cụ thể, trong dự thảo, Bộ GD&ĐT cho biết đã xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 theo 3 phương án lựa chọn là 4+2, 3+3 và 2+2.
Bộ GD&ĐT cho biết, trên cơ sở phân tích khách quan, ý kiến góp ý của các Sở GD&ĐT và dựa theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng Phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị, đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án: Mỗi thí sinh thi 4 môn (Lựa chọn 2+2), gồm: Thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, vật lý, Hóa học, sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Lý do tổ chức thi theo phương án này là: Giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội; Không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên.
Đồng thời, đối với 9 môn học thí sinh được lựa chọn để dự thi, các môn học này đã có kiểm tra, đánh giá, có thể hiện điểm số vào học bạ; trong quá trình dạy học, học sinh đã được đánh giá quá trình học tập một cách toàn diện, trong quá trình dạy trên lớp.
Việc được chọn 2 môn trong số 9 môn học này (có 36 cách thức lựa chọn khác nhau), tạo điều kiện để thi sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh cùa bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Đáng chú ý trong báo cáo về việc xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT nêu ý kiến khảo sát tại Tp.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang. Ngoài 2 phương án được đề xuất trước đó, có nhiều ý kiến đề xuất thêm về Lựa chọn 2+2.
Đặc biệt, thí sinh học chương trình THPT và chương trình GDTX cấp THPT phải thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử.
Kết quả, có 17.981 cán bộ, giáo viên tham gia ý kiến. Trong đó, có tới gần 60% chọn Lựa chọn 2+2 môn thi.
Theo Bộ GD&ĐT, lựa chọn 2+2 có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi cũng giảm 1 số buổi thi so với hiện nay.
Ngoài ra, điều này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em, tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Thí sinh được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học. Tuy nhiên, nhược điểm là ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Bộ GD&ĐT cũng đã lấy ý kiến cán bộ, giáo viên các trường THPT trên cả nước, xin ý kiến lãnh đạo các Sở GD&ĐT về 2 phương án.
Phương án 1, Lựa chọn 4+2, thí sinh phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Thí sinh học chương trình GDTX (nhóm thí sinh này không phải học bắt buộc môn Ngoại ngữ) phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 2, Lựa chọn 3+2, thí sinh phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử).
Thí sinh học chương trình GDTX (nhóm thí sinh này không phải học bắt buộc môn Ngoại ngữ), thí sinh phải thi 4 môn, gồm thi bắt buộc 2 môn (Ngữ văn, Toán) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Học sinh hồi hộp chờ đợi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 là 2+2, tức là thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc Toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn tùy vào năng lực của học sinh. Nhiều giáo viên và học sinh đồng tình ủng hộ phương án này và mong được Chính phủ chấp thuận, vì vừa giúp giảm tải, vừa đi đúng hướng đánh giá khả năng của người học ở cấp THPT.
Dự kiến sẽ thi 4 môn thay vì 6 môn như hiện tại, tất cả học sinh lớp 11 đều cảm thấy vui mừng vì đồng nghĩa với đó là sẽ giảm áp lực ôn tập.
Chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, em Trần Tùng Lâm học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Trì, Phú Thọ mong phương án 2+2 sẽ được lựa chọn. "Nếu phương án này được chọn thì số môn thi bắt buộc sẽ giảm thì áp lực thi cử của chúng em cũng giảm đi rất nhiều. Khi đó, chúng em sẽ có nhiều thời gian để ôn tập kỹ hơn cho kỳ thi và có thời gian để định hướng rõ ràng về nghề nghiệp sau này. Chúng em rất lo lắng và nín thở chờ đợi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn".
Trong khi đó, em Đặng Lê Ngọc Đại, Trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng 4 môn, vừa giảm áp lực thi cử cho học sinh, vừa giảm bớt chi phí cho gia đình, xã hội. "Học sinh được lựa chọn những môn phù hợp với mình nhất chứ không phải theo một khuôn mẫu nhất định".
Còn về phía các giáo viên, nhiều thầy cho cho hay khi học sinh tốt nghiệp THCS và bước vào bậc học THPT, các em đã được lựa chọn các môn yêu thích, phù hợp với sở trường và đáp ứng ngành nghề mà các em chọn ở trường đại học. Thích học môn nào - chọn thi môn đó cũng là đi đúng định hướng chương trình mới.
Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc năm 2023 đạt 98,88%
Theo Bộ GD&ĐT, các số liệu phân tích cho thấy phổ điểm năm nay cùng hai năm trước tương đối ổn định. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc là 98,88%.
Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền: các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đạt kết quả cao hơn; các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ có kết quả cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây bắc, một số tỉnh Tây Nguyên…
Các môn Toán, Vật lý, Hóa học phổ điểm không thay đổi so với các năm trước. Môn Giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi thể hiện năng lực của học sinh, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân của học sinh đã tốt hơn.
“Đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển”, Bộ GD&ĐT khẳng định.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/bao-gio-chot-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-a41344.html