Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Thi tốt nghiệp 2+2 không làm giảm vai trò của các môn học

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng giảm môn thi bắt buộc, tăng môn tự chọn giúp học sinh thực học, thực nghiệm không học vì đi thi.

Phát biểu kết luận tại buổi họp báo công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá phương án thi mới nhằm đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 và phát triển năng lực của học sinh.

Thứ trưởng cho biết: “Giảm môn thi bắt buộc, tăng môn tự chọn thể hiện chúng ta đang phải từng bước chuyển nền giáo dục nặng về học để thi, có thi mới học chuyển sang nền giáo dục thực học, thực dạy, thực nghề, thực nghiệm, học để làm, không học để thi. Nhưng điều này phải có thời gian, kiên trì và có lộ trình giải pháp”.

Đồng thời lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhận định việc chọn phương án thi 2+2 không có nghĩa làm giảm vai trò của các môn học mà xét về mặt khoa học đây là phương pháp phù hợp.

“Đổi mới kiểm tra thi đánh giá là một trong 9 nhiệm vụ giải pháp để đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện và phương án thi là một trong những nhiệm vụ của đổi mới kiểm tra, đánh giá. Kỳ thi tốt nghiệp THPT tác động lớn tới xã hội nhưng phải hài hoà với kiểm tra thường kỳ, thường xuyên.

Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu hết sức công phu, bài bản, lấy ý kiến của chuyên gia, thầy cô rộng rãi trên cả nước và các bộ ban ngành và kinh nghiệm thế giới để đưa ra phương án thi cuối cùng”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ.

Giáo dục - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Thi tốt nghiệp 2+2 không làm giảm vai trò của các môn học

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 29/11.

Giải đáp thêm về những băn khoăn được đưa ra tại cuộc họp, Thứ trưởng thông tin: “Đối với học sinh không đỗ tốt nghiệp năm 2024, Bộ GD&ĐT thống nhất nguyên tắc đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu  có thể tổ chức cùng một năm có 2 kỳ thi của 2 chương trình khác nhau. Vì số học sinh trượt tốt nghiệp theo tỉ lệ hiện nay không nhiều vì vậy  không quá lo ngại về kinh phí”.

Việc khắc phục hạn chế của hình thức thi trắc nghiệm, Thứ trưởng cũng cho biết sẽ có những giải pháp xây dựng đề thi mang tính tư duy, logic, suy luận. “Còn ở đâu đó, vẫn có giáo viên dạy học sinh làm mẹo thì Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT khắc phục tình trạng này”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT bày tỏ.

Nói về quyền lợi với các thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 và dự thi tốt nghiệp vào năm 2025, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua. Dù thi như thế nào các trường vẫn phải đảm bảo nguyên tắc xét tuyển công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Như vậy, các em dù thi kỳ thi như thế nào vẫn được xét tuyển một cách công bằng”.

Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi vẫn được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Phương thức xét tốt nghiệp sẽ xét kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp tỉ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Về lộ trình từ năm 2025 - 2030, Bộ GD&ĐT giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm tại địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp thi trên giấy và trên máy tính). "Khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với tất cả các môn thi trắc nghiệm", Bộ GD&ĐT cho biết.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/thu-truong-bo-gddt-thi-tot-nghiep-22-khong-lam-giam-vai-tro-cua-cac-mon-hoc-a41824.html