Chia sẻ tại tọa đàm “Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường: Tại sao tinh thần “tôn sư trọng đạo" bị phai nhạt?" diễn ra sáng ngày 8/12, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá việc bị xô lệch những chuẩn mực, có những quan niệm méo mó là nguyên nhân xảy ra những hành động không đúng với đạo lý giữa giáo viên và học sinh.
“Sự việc cô giáo bị học sinh đánh ở Tuyên Quang gây nhiều trăn trở khi việc này diễn ra ngay trong đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo và không chỉ ở một cá nhân học sinh”, ông Minh bày tỏ.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh việc kết tội, đổ lỗi không phải giải pháp tối ưu thay vào đó cần tìm nguyên nhân gốc rễ và đưa ra giải pháp cho câu chuyện giáo viên bị bạo lực học đường.
Ở đây, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng sự việc là hồi chuông cảnh tình về trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu.
GS.TS Nguyễn Văn Minh bày tỏ: “Trong thực tiễn chúng ta phải nhìn nhận một cách trực diện, mặc dù nói trong môi trường giáo dục cần dân chủ nhưng không phải trường nào cũng thực hiện được, không phải hiệu trưởng nào cũng sát sao vào từng công việc cụ thể liên quan đến học sinh, nhà giáo. Cùng với đó vai trò của công đoàn trong nhà trường không được phát huy dẫn đến dân chủ không được thực hiện”.
Ông Minh còn cho rằng có những nơi lẽ ra phụ huynh chỉ là người giám sát, góp ý nhưng có khi lại chi phối thô bạo, tất cả những yếu tố trên mới dẫn đến vai trò, vị trí của nhà giáo bị ảnh hưởng.
Đồng quan điểm, chia sẻ tại toạ đàm, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng thiết chế trong một đơn vị, cụ thể ở đây là các cơ sở giáo dục đã được quy định đầy đủ nhưng lại chưa được thực hiện tốt, các tổ chức đoàn thể chưa phát huy hết vai trò khiến cho nhà giáo không được bảo vệ.
“Trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng dầu, khi giáo viên không được hỗ trợ của nhà trường, các tổ chức và phải chọn cách im lặng khiến cho sự việc càng trở nên nghiêm trọng”, ông Tài đánh giá.
Ở đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đưa ra lời khuyên cho các thầy cô cần nhanh chóng báo tin, thông tin sự việc cho các cơ quan có thẩm quyền không nên chọn cách im lặng vì như vậy không có tác dụng không cao đối với học sinh, thậm chí sẽ lan toả hành vi và khiến học sinh không hiểu phải chịu trách nhiệm như thế nào trước những hành vi của mình.
TS Thái Văn Tài phân tích thêm: “Theo quy định luôn có khoảng 2 tuần đầu tiên của năm học để học sinh, nhà trường học nội quy, luật lệ, tìm hiểu đối tượng nhưng hiện nay hoạt động này lại không được chú trọng khiến cho quy định đã có nhưng học sinh, nhà trường vẫn vi phạm những điều không được làm”.
Cũng tại toạ đàm, PGS.TS Xã hội học Bế Trung Anh- Đại biểu Quốc hội khoá XV cho biết: “Trường học hạnh phúc phải nằm trong một không gian xã hội phù hợp. Sự việc cần sự vào cuộc của toàn xã hội để học sinh hiểu được về nghề giáo, vị trí của người thầy thì lúc đó mới giải quyết được cái gốc của sự việc”.
Theo ông Bế Trung Anh hình ảnh người thầy hiện nay khác với trước kia, khi ngoài dạy học một số thầy cô vẫn phải đi làm thêm, khiến ảnh hưởng vị trí của người thầy trong lòng học sinh. Cần phải để các em thấy thầy cô cách xa học trò một bậc về tri thức, đạo đức, có chuyên môn chắc chắn, vững vàng. Muốn có được điều này cần sự quan tâm của cả xã hội đối với nghề giáo.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/giao-vien-bi-bao-luc-thieu-su-bao-ve-nha-giao-trong-truong-hoc-a43676.html