Sáng thứ hai, cô Huỳnh Thị Ngọc Thi, trường Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội, có tiết Khoa học dạy bằng tiếng Anh ở lớp 4A0. Đây là tiết ôn tập học kỳ với bố nội dung: hệ tiêu hóa, các nhóm chất dinh dưỡng, các loại thức ăn và phân loại động vật.
Đầu tiết học, cô Thi sử dụng iPad (máy tính bảng) để giới thiệu nội dung bài, ứng dụng sẽ dùng và một số nội quy. Học sinh đồng thời cầm ipad cá nhân, lần lượt làm theo hướng dẫn của cô giáo.
Ở từng phần, học sinh làm bài tập, hoạt động khác nhau, như viết đúng tên các cơ quan của hệ tiêu hóa trên hình vẽ, kéo thả các nhóm chất dinh dưỡng đúng với mô tả, chia sẻ những loại thức ăn mình yêu thích bằng cách bấm icon (biểu tượng) có sẵn trên màn hình. Mỗi phần, cô Thi lại gọi 2-3 học trò lên bảng, chia sẻ màn hình cá nhân lên màn hình lớn của lớp để thuyết trình.
Buổi học không sử dụng phấn và bảng, khá sôi nổi. Đây là trường học đầu tiên ở Hà Nội và trong cả nước sử dụng iPad dạy học theo mô hình 1:1, tức mỗi học sinh dùng một thiết bị để học.
Phùng Phương Linh, học sinh lớp 4A0, nói rất thích tiết học này vì em có thể làm biểu đồ, câu hỏi đố vui, sơ đồ tư duy... trên máy tính bảng thuận tiện. Linh cho biết ngày nào cũng được thầy cô yêu cầu mang máy tính bảng tới lớp, coi đây là một dụng cụ học tập và sẽ được dùng trong một số tiết học nhất định.
Vũ Hoàng Quân, học sinh lớp 4A0, cũng hào hứng với những tiết học vì "nhiều hoạt động mới mẻ".
"Em thích dùng trong môn tiếng Anh nhất, vì tiết học này thường được thầy cô cho vẽ. Đây lại là thế mạnh của em", Quân nói.
Bà Nguyễn Thị Vân Trang, Tổng hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Ngôi sao Hà Nội, cho biết từ năm 2019, trường bắt đầu đưa máy tính bảng vào dạy học theo mô hình "share iPad", tức có một phòng học chính rồi chia sẻ về các lớp. Các giáo viên có thể mượn thiết bị để giảng dạy nếu có nhu cầu.
Từ đầu năm học này, trường áp dụng mô hình 1:1. Sau khi bàn bạc, đồng ý với chủ trương của trường, các gia đình sẽ mua thiết bị cho con. Hiện, mô hình được áp dụng tại 10 lớp, từ khối 3 đến 7 với tổng 450 học sinh.
Theo bà Trang, trường nhìn nhận áp dụng công nghệ vào giảng dạy là cần thiết để trang bị cho học sinh thêm kỹ năng, sẵn sàng với sự thay đổi của công nghệ.
"Sau khi quan sát, chúng tôi thấy các gia đình đều có thiết bị điện tử thông minh, nhưng học sinh thường chỉ dùng để giải trí. Vì vậy, việc được dùng tại lớp học sẽ giúp các em hiểu thiết bị, biết cách dùng sao cho hiệu quả", bà Trang nói.
Còn cô Huỳnh Thị Ngọc Thi đánh giá các tiết học sử dụng thiết bị điện tử giúp cô trò tương tác tốt hơn.
"Học sinh nhanh chóng làm bài tập của giáo viên, tổng hợp kiến thức rồi chia sẻ lại cho cô và các bạn, thời gian được rút ngắn so với sách vở truyền thống", cô Thi nói.
Cô Thi cũng cho rằng các tiết học này giúp khuấy động không khí bởi học sinh được sáng tạo, từ vẽ tới ghi âm, ghi hình, rồi thuyết trình về sản phẩm của mình.
Để quản lý học sinh, cô Ngọc Thi cho biết sử dụng một phần mềm để biết từng học sinh đang làm gì, có truy cập những website ngoài nội dung học hay không. Nếu em nào vi phạm, từ thiết bị của mình, giáo viên có thể tạm khóa màn hình của học sinh và nhắc nhở các em.
"Hệ thống wifi của trường cũng được cài đặt để học sinh chỉ được truy cập một vài website nhất định", cô Thi chia sẻ.
Trước lo ngại về thời gian sử dụng màn hình, cô giáo nói không phải tiết học nào cũng dùng máy tính bảng. Tùy mục đích và thiết kế chương trình, giáo viên sẽ linh hoạt thời gian sử dụng của các em, đảm bảo học sinh không nhìn quá lâu vào màn hình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu cho phép giáo viên, học sinh sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác ở trường từ tháng 11/2020, nhằm phục vụ học tập. Việc này từng gây tranh cãi, có ý kiến lo ngại việc sử dụng thiết bị điện tử có thể khiến học sinh sao nhãng, khó quản lý, song nhiều người cho rằng đây là cải tiến đột phá, giúp học sinh hứng thú và học hiệu quả hơn.
Về việc sử dụng máy tính bảng trong giảng dạy, bà Dương Thu Trang, hiệu trưởng trường Tiểu học Newton Goldmark, Hà Nội nói đánh giá cao về tính hữu ích. Bà cho biết trường Newton có mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, gồm cả ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học nhưng lo ngại về chi phí, vì giá một thiết bị khoảng 10 triệu đồng trở lên.
Đây cũng là băn khoăn của ông Nguyễn Châu Nam, Giám đốc điều hành trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng, Nghệ An. Ông Nam cho rằng để phụ huynh đồng ý đầu tư thiết bị cho con, các trường phải cho họ thấy hiệu quả thực sự của công cụ này trong học tập.
"Làm được điều này không phải dễ", ông Nam nhìn nhận, cho biết sẽ nghiên cứu kỹ hơn.
Hiệu trưởng Vân Trang cho rằng việc sử dụng thiết bị điện tử trong giảng dạy sẽ khác nhau, tùy mục tiêu của mỗi trường.
"Tôi nghĩ dù dùng thiết bị hay công cụ gì, câu hỏi quan trọng nhất cần trả lời là cái này dùng để giải quyết việc gì, có ý nghĩa ra sao với học sinh", bà Trang nói.
Thanh Hằng
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/lop-hoc-co-giao-cho-100-hoc-sinh-dung-may-tinh-bang-a45761.html