Học sinh Việt chuộng tiếng Pháp, Nhật ngoài tiếng Anh

Trong hơn 60.000 học sinh theo học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh ở trường, phần lớn chọn tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Trong dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục (2013-2023), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc dạy và học ngoại ngữ có nhiều chuyển biến tích cực.

Đến nay, có 61 tỉnh, thành triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo. Tất cả tỉnh, thành đã dạy tiếng Anh hệ 10 năm, bắt đầu từ lớp 3. Số học sinh được học hệ 10 năm tăng 39% so với năm học 2013-2014, lên mức 68%, tương đương khoảng 12,2 triệu học sinh.

Ngoài tiếng Anh, 41 địa phương tổ chức dạy ngoại ngữ khác với hơn 60.000 em theo học. Trong đó, tiếng Pháp được dạy và học nhiều nhất với gần 30.800 học sinh. Kế đến là tiếng Nhật, Trung Quốc. Đây cũng là những môn ngoại ngữ được dạy ở cả ba cấp là tiểu học, THCS và THPT.

Các ngoại ngữ còn lại gồm tiếng Đức, Hàn, Nga chỉ được dạy trong một số ít trường THCS và THPT.

Trước đây, Ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc ở tiểu học mà ở bậc THCS và THPT. Theo chương trình phổ thông mới (chương trình 2018), Ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoài tiếng Anh, trong danh mục môn Ngoại ngữ còn có tiếng Trung, Đức, Nhật, Hàn, Pháp, Nga.

Theo hướng dẫn của Bộ, các trường dựa trên điều kiện thực tế và nhu cầu của học sinh, phụ huynh, chọn một trong số các ngoại ngữ nói trên để giảng dạy như môn bắt buộc (gọi là Ngoại ngữ 1). Ngoài ra, các trường có thể dạy thêm ngoại ngữ khác cho học sinh (Ngoại ngữ 2).

Thực tế hầu hết trường học chọn tiếng Anh làm Ngoại ngữ 1. Một số trường học ở các địa phương biên giới chọn tiếng Trung Quốc, trong khi tiếng Pháp, Nhật, Hàn được dạy chủ yếu ở các thành phố lớn.

Ở Hà Nội, cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu phó trường THCS và THPT Lômônôxốp, cho biết hầu hết ngoại ngữ khác tiếng Anh được dạy trong trường phổ thông sẽ như "Ngoại ngữ 2" - môn tự chọn, tùy thuộc nhu cầu của phụ huynh và điều kiện của từng trường.

Như tại trường Lômônôxốp, ba môn Ngoại ngữ 2 được đưa vào giảng dạy gồm tiếng Đức, Nhật và Hàn. Trong đó, môn tiếng Đức đã được dạy từ lâu do trường là đối tác của Viện Goethe, trong khi hai môn tiếng Hàn và Nhật được đưa vào khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đưa các ngoại ngữ này vào giảng dạy cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

"Chúng tôi mong muốn học sinh có cơ hội biết thêm nhiều ngoại ngữ để có thể tiếp cận với kiến thức trên thế giới dễ dàng hơn, trở thành những công dân toàn cầu, có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực", cô Nhung nói.

Một tiết học với giáo viên nước ngoại tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) năm 2019. Ảnh: Lê Nam

Một tiết học với giáo viên nước ngoại tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) năm 2019. Ảnh: Lê Nam

Chương trình môn Ngoại ngữ 1 ở phổ thông có thời lượng 1.155 tiết. Trong đó, cấp tiểu học 420 tiết (4 tiết/tuần), cấp THCS có 420 tiết (3 tiết/tuần), còn ở THPT, học sinh học 315 tiết (3 tiết/tuần).

Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, trường có thể tổ chức dạy học bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kỳ lớp nào, tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Dương Tâm

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/hoc-sinh-viet-chuong-tieng-phap-nhat-ngoai-tieng-anh-a45777.html