Cách giúp cha mẹ kết nối với con

Cha mẹ nên tôn trọng sở thích và trở thành người cố vấn, thay vì áp đặt kỳ vọng để tạo nên "sợi dây" gắn kết trong quá trình trưởng thành của con.

Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) kể lại, Mạnh Toàn (13 tuổi, Bắc Ninh) được cha mẹ đưa đến gặp bà với gương mặt cúi gằm, tay vân vê tà áo, khi nói chuyện với người đối diện không dám nhìn thẳng mà chỉ nhìn sang ngang. Gia đình cho biết, cậu ngày càng học kém, lầm lì, ít nói, không muốn tiếp xúc, trò chuyện với cha mẹ.

Sau khi khai thác sâu hơn, bà nhận thấy nguyên nhân khiến Toàn trở nên như vậy là do bố mẹ đều thành đạt, có địa vị xã hội nên đặt nhiều kỳ vọng vào con. Mỗi khi bị điểm kém, nói năng hoặc làm gì sai, cậu bé sẽ bị mắng là ngu dốt, ăn hại. Điều này lặp đi lặp lại khiến Toàn tổn thương, mất niềm tin vào bản thân, luôn tìm cách tránh né để không phải giao tiếp với cha mẹ vì sợ bị chê trách, mắng mỏ.

Việc chỉ trích, áp đặt ý kiến có thể khiến cha mẹ và con mất kết nối. Ảnh minh họa: Freepik

Việc chỉ trích, áp đặt ý kiến có thể khiến cha mẹ và con mất kết nối. Ảnh minh họa: Freepik

Tương tự con là chị Thanh Huyền (Hà Nội) vốn ngoan ngoãn, thông minh, từ năm lớp 1 đến lớp 9 đều học trường chuyên, lớp chọn. Đến khi lớp 10, cậu muốn trở thành Youtuber nên thường mày mò tự quay dựng video và đăng tải trên mạng. Chị sợ việc này ảnh hưởng đến học tập và cho rằng ước mơ này không có tương lai nên đã cấm đoán, cấm con sử dụng điện thoại. Sau đó, con trai chị đã chống đối bằng cách bỏ bê việc học, cãi láo và không trò chuyện với cha mẹ.

"Việc đặt kỳ vọng quá lớn, chỉ trích, áp đặt ý kiến của mình lên con là vấn đề rất nhiều cha mẹ mắc phải, dẫn đến mất kết nối, làm tổn thương con. Điều này khiến đứa trẻ luôn lo lắng, mệt mỏi, không được là chính mình, cố gắng làm mọi thứ vì mong muốn của bố mẹ", ThS. Lanh nhận định.

Theo bà, việc cha mẹ không cho phép mắc sai lầm, thường xuyên chỉ trích, phán xét, gán cho con những cái mác tiêu cực... có thể hủy hoại sự tự tin của con. Trẻ có thể nghĩ bản thân kém cỏi nên không có niềm tin vào chính mình, không dám thể hiện bản thân, lựa chọn và đưa ra quyết định.

"Sau này, các bạn ấy đã lớn lên về thể xác nhưng đã sớm thua cuộc về tinh thần, có thói quen tự bằng lòng để che đậy cảm giác tự ti bên trong, chấp nhận sống một cuộc đời nhỏ bé, luôn thường trực những nỗi lo âu, sợ hãi", bà nói thêm.

Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

ThS. Lanh phân tích, tình trạng này đến từ việc cha mẹ nghĩ mình trải đời, hiểu biết hơn, muốn tốt cho con nên sử dụng quyền làm người lớn ép con phải làm theo ý mình. Điều này khiến trẻ cảm thấy ấm ức vì ai cũng có những suy nghĩ, đam mê và ước mơ riêng, cần được tôn trọng.

Do đó, để kết nối lại với con, chữa lành tổn thương trong con, nữ chuyên gia khuyên cha mẹ nên dành cho con sự yêu thương vô điều kiện, không đặt ra tiêu chuẩn con phải chăm ngoãn, học giỏi mới nhận được tình yêu. Khi trẻ mắc sai lầm, cha mẹ nên bình tĩnh giúp các bạn vượt qua sai lầm, nhận ra bài học, cơ hội phát triển, thay vì chê bai, chỉ trích.

Đồng thời, phụ huynh cũng cần tương tác hai chiều, lắng nghe, thấu hiểu, làm bạn với con, không phải áp đặt theo ý của người lớn. Khi con làm điều tốt hoặc đạt thành tích, cha mẹ nên ngợi khen để trẻ biết ghi nhận mình. Trẻ cần được tự do thể hiện bản thân, theo đuổi ước mơ mà không phải lo lắng về sự kỳ vọng quá mức từ bất kỳ ai.

"Cha mẹ yêu con không phải để con yêu cha mẹ mà để con yêu bản thân. Hãy dùng tình yêu thương vô điều kiện để chữa lành mối quan hệ với con, giúp con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình", bà khuyên các bậc cha mẹ.

*Tên nhân vật đã thay đổi

Thiên Minh

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/cach-giup-cha-me-ket-noi-voi-con-a46352.html