Trong 10 năm qua, Hà Nội tăng hơn 40.413 cán bộ, giáo viên

Hà Nội luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quan lý giáo dục, coi việc phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL là khâu then chốt...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, một trong những nỗ lực của thành phố cũng như của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TƯ ngày 4-11-2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn Thành phố Hà Nội là tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên. Nếu như năm học 2013-2014, toàn thành phố có 82.855 cán bộ, giáo viên, thì đến nay, toàn thành phố có 122.968 cán bộ quản lý, giáo viên, tăng 40.413 người so với 10 năm trước.

Không chỉ tăng phát triển về số lượng, trình độ đào tạo của đội ngũ CBQL, giáo viên Thành phố Hà Nội cũng ngày càng tăng. 100% CBQL, giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên. Trong đó có 63% giáo viên mầm non, 95% giáo viên tiểu học, 79% giáo viên trung học cơ sở và 27% giáo viên trung học phổ thông có trình độ trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2005.

Trong 10 năm qua, quy mô trường, lớp, học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn thành phố có hơn 2.800 trường học với 2,3 triệu học sinh. Việc quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục ở các nhà trường.

Đáng chú ý thời gian qua, Thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ CBQL và giáo viên. Hàng năm, Thành phố phê duyệt kế hoạch và cấp kinh phí đào tạo bồi dưỡng (đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức; bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng chuyên môn,nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học…), nhằm trang bị cho đội ngũ CBQL và giáo viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và yêu cầu về giảng dạy chương trình GDPT 2018 và SGK mới.

Thành phố tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục thực hiện đúng và đầy đủ mọi chế độ, chính sách để thu hút và đãi ngộ đối với đội ngũ CBQL và giáo viên bao gồm công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học về trình độ đào tạo. Hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ về số lượng và phù hợp về cơ cấu theo quy hoạch phát triển nhân lực của ngành và Thủ đô….

Cùng với đó, Thành phố và ngành Giáo dục luôn công khai, công bằng trong cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong tuyển dụng; có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo, CBQL và ưu tiên với nhà giáo có trình độ cao. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và CBQL được thực hiện trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác…

Thành phố và ngành Giáo dục cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để CBQL và giáo viên được tiếp cận, tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Đội ngũ CBQL và giáo viên giỏi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, ngoài nước; đảo đảm sự bình đẳng về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giữa CBQL và giáo viên các trường công lập và trường ngoài công lập.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự chủ động, tích cực tham mưu của ngành Giáo dục, đội ngũ nhà giáo, CBQL của Hà Nội cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/trong-10-nam-qua-ha-noi-tang-hon-40413-can-bo-giao-vien-a47053.html