Hải Phòng: Nét mới tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022

UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) vừa tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022.

ctds20194-1660157766.jpg

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2013. (Ảnh: Vũ Đạt)

Lễ hội truyền thống của dân miền biển Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có từ hơn 1.000 năm nay từ thời nhà Lý. Đây là hoạt động văn hóa lâu đời, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển, mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu. Mùng 9/8 âm lịch chọi trâu, mùng 10 sẽ giết trâu tế thần. Thịt trâu sau đó được chia đều cho người dân trong vùng, coi như lộc thánh.

Còn chủ trâu Vô địch không chỉ vang danh thiên hạ mà được cho là cả năm sẽ thịnh vượng, làm ăn phát đạt, những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió. Lễ hội chọi trâu mang sức sống mãnh liệt của văn hóa lúa nước và văn hóa miền biển; thể hiện tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển Đồ Sơn hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một trong 15 lễ hội lớn nhất Việt Nam và được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2013. Tổ chức hàng năm vào dịp 9 tháng 8 âm lịch, đã truyền tụng thành câu ca “Dù ai buôn đâu bán đâu. Mồng 9 tháng 8 chọi trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề. Mồng 9 tháng 8 cũng về chọi trâu”.

Ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khôi phục từ năm 1990 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012.

Sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, UBND quận Đồ Sơn tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy, khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội, tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày công nhận Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

ctds20193-1660158152.jpg

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn với các kháp đấu kịch tính, hấp dẫn thu hút hàng vạn người dân và du khách. (Ảnh: Vũ Đạt)

Theo đó, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay gồm 2 phần: lễ và hội. Trong đó, phần lễ gồm 6 nghi thức: Lễ dâng hương, thượng cờ khai hội tại đền Nghè và đền Nam Hải Thần Vương vào ngày 27/8 (tức 1/8 âm lịch); Lễ rước nước tại đền Nghè vào ngày 2/9 (tức 7/8 âm lịch); Lễ Thần linh tại đền Nghè và sân vận động vào đêm 3/9 (tức 8/8 âm lịch); Lễ tống thần tại đền Nghè vào ngày 11/9 (tức 16/8 âm lịch); Lễ hiến sinh tại sân vận động và Lễ tế thần tại Đình các phường có trâu đạt giải vào ngày 5/9 (tức 10/8 âm lịch).

Phần Hội được tổ chức vào 7h30 ngày 4/9 (tức ngày 9/8 âm lịch) tại sân vận động Trung tâm quận Đồ Sơn, được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.

Tổng số trâu chọi tham gia Lễ hội năm 2022 là 16 trâu, trong đó mỗi phường trên địa bàn được đăng ký 2 suất trâu; mỗi ông chủ trâu có giải Nhất, Nhì, Ba năm 2019 sẽ được đăng ký 1 suất trâu. Về cơ cấu giải thưởng, trâu Vô địch nhận 70 triệu đồng; giải Nhì 40 triệu động; đồng giải Ba là 20 triệu đồng.

Đến thời điểm này, Ban tổ chức Lễ hội các phường đã tổ chức bốc thăm số trâu và đăng ký trâu tham gia Lễ hội. Ngày 23/8 (tức 26/7 âm lịch) quận Đồ Sơn sẽ tổ chức bốc thăm ghép các cặp thi đấu, bốc thăm cửa Bắc - Nam cho các trận thi đấu, bốc thăm thứ tự các trận thi đấu.

Để bảo đảm chất lượng trâu chọi tham gia, Ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức 2 đợt kiểm tra đối với các trâu; tổ chức lễ bốc thăm các cặp thi đấu, đồng thời lên phương án bảo đảm ANTT, bảo đảm an toàn cho lễ hội diễn ra thành công. 

ctds20192-1660159588.jpg

Sau 2 năm tạm dừng do dịch Covid-19, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sẽ được tổ chức trở lại với nhiều điểm mới (Ảnh: Vũ Đạt)

Nhiều sự kiện bên lề nhằm kích cầu du lịch

Với hơn 30 năm từ khi được khôi phục, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được duy trì và không ngừng phát triển, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hàng năm, vào thời gian diễn ra lễ hội, Đồ Sơn đón hàng vạn lượt khách vừa kết hợp du lịch, vừa tham khán lễ hội, chính vì vậy lễ hội chọi trâu cũng đồng thời là một sản phẩm du lịch được chính quyền khuyến khích và người dân địa phương hưởng ứng.

Tuy nhiên, sau sự cố trâu chọi húc chết chủ trên sới đấu năm 2017, có nhiều ý kiến trái chiều về việc tổ chức lễ hội này, sau đó lễ hội được duy trì, nhưng vì do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không thể tổ chức vào 2 năm 2020 và 2021. Năm 2022, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sẽ được tổ chức trở lại với nhiều điểm mới.

Theo đó, UBND quận Đồ Sơn giao Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn phối hợp với Công ty TNHH Việt Thành cùng các Công ty du lịch, lữ hành toàn quốc đưa du khách về Đồ Sơn tham dự lễ hội và tổ chức các tour du lịch trải nghiệm tại Đồ Sơn nhân dịp Quốc khánh 2/9 và Lễ hội chọi trâu năm 2022 nhằm kích thích nhu cầu của du khách với tour du lịch.

Bênh cạnh đó, một số hoạt động bên lề lễ hội nhằm quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch được tổ chức trong dịp này bao gồm: Liveshow đêm nhạc Bolero với các bài hát mang âm hưởng nhẹ nhàng, hào hùng của cách mạng được mở cửa tự do tại Quảng trường 15/5 (Khu I) vào 20h30 ngày 2/9; Nhạc hội EDM với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều sản phẩm âm nhạc thịnh hành được phối lại và lần đầu tiên mang ra trình diễn trước công chúng tại Quảng trường 15/5 (Khu I) vào 20h30 ngày 3/9 (chương trình có bán vé theo tour du lịch); Chương trình biểu diễn âm nhạc đường phố với hình thức âm nhạc tự do, đa dạng về các dòng nhạc và thể loại nhạc được tổ chức tại tuyến phố đi bộ Khu II vào 3 khung giờ (từ 15h30 đến 17h, từ 18h đến 19h30, và từ 20h đến 21h30) các ngày từ 2/9 đến 4/9.

ctds20196-1660159820.jpg

Niềm vui của chủ trâu khi giành chức Vô địch (Ảnh: Vũ Đạt)

Ngoài ra, Hội chợ làng quê Việt với các gian hàng được trang trí theo phong cách chợ quê cùng các sản phẩm ẩm thực đường phố đa dạng vùng miền, phục vụ du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm tự tay làm các sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống như: nặn tò he, làm mặt nạ giấy bồi, vẽ tranh, thêu túi, vẽ túi, nặn gốm, vẽ gốm, làm đèn lồng, đan giỏ mây tại phố đi bộ (Khu II) từ 15h đến 21h các ngày từ 2/9 đến 4/9.

Dự kiến mùa lễ hội năm nay sẽ thu hút hàng vạn người dân, du khách trong và ngoài nước về dự. Đây cũng là dịp kích cầu du lịch Đồ Sơn phục hồi, phát triển sau 2 năm “lỡ hẹn” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội

Vừa qua, ngày 8/8, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành văn bản số 2928/BVHTTDL-VHCS gửi UBND TP Hải Phòng về việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022.

Theo đó, để chuẩn bị tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2022 và trong thời gian tới, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; đồng thời tiếp tục thực hiện giải pháp đổi mới hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo UBND quận Đồ Sơn, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng, các sở, ban, ngành lưu ý và tập trung chỉ đạo các hoạt động liên quan đến lễ hội.

Cụ thể, tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022 theo nội dung “Đề án đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, TP Hải Phòng” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất năm 2018. UBND quận Đồ Sơn tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022 và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội theo sự phân cấp của Chính phủ quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có hàng rào kiên cố khu vực chọi trâu và có các phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý những tình huống phát sinh trong tổ chức lễ hội.

Kiểm soát, ngăn chặn các hiện tượng cá cược xảy ra trong lễ hội, quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với chủ trâu, người tham gia lễ hội và có biện pháp xử lý kịp thời khi có hiện tượng cá cược xảy ra. Lựa chọn người trong cộng đồng có kinh nghiệm, tâm huyết với lễ hội để mua trâu, nuôi trâu và huấn luyện trâu tham gia lễ hội.

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; có khu giết mổ tập trung trâu chọi, quản lý việc giết mổ để bảo vệ thương hiệu thịt trâu chọi Đồ Sơn, thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm vệ sinh môi trường và quyền lợi hợp pháp cho các ông chủ trâu cũng như người tiêu dùng; không để xảy ra hiện tượng thương mại hóa, khai thác nguồn lợi kinh tế làm sai lệch bản chất, ý nghĩa, nội dung của lễ hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng và công chúng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, kịp thời động viên, khen thưởng đối với các tổ chức cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho lễ hội.

ctds20195-1660159945.jpg

Trao thưởng cho chủ trâu đoạt giải Nhất tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2019 (Ảnh: Vũ Đạt)

Theo UBND quận Đồ Sơn, lễ hội năm nay, quận dự kiến huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ tham gia bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn lễ hội.

Đối với khu vực giết mổ và bán thịt trâu chọi sẽ được bố trí vị trí riêng vừa bảo đảm về mặt mỹ quan vừa ngăn chặn trường hợp trà trộn trâu từ bên ngoài vào.

Quận Đồ Sơn sẽ không bán vé vào cửa xem trực tiếp các trận đấu tại lễ hội mà phát hành giấy mời. Đối với người dân, du khách không có giấy mời vào sân theo dõi trực tiếp các trận đấu, Ban tổ chức bố trí 2 màn hình lớn ở bên ngoài sân vận động trung tâm quận và quảng trường 15/5.

Vũ Đạt

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/hai-phong-net-moi-tai-le-hoi-choi-trau-do-son-nam-2022-a4735.html