Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực trong 7 tháng năm 2022, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp theo chủ đề “Chủ động thích ứng phục hồi nhanh và phát triển bền vững.” (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 11/8, báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong bối cảnh có nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo, triển khai các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý.
Các con số tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng của năm 2022 đã phản ánh sự đúng đắn và kịp thời của các chính sách trong thời gian vừa qua.
Các tổ chức quốc tế đều có nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam; xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực.” Nhiều chuyên gia nhận định khả năng chống chịu của nền kinh tế là khá tốt tại thời điểm hiện tại.
Theo kết quả khảo sát nhanh doanh nghiệp trong quý 2 năm 2022, 70%-80% doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hữu ích trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, quyết định mở cửa nền kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, phí, tiền thuê đất, giảm tiền điện, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đến hết tháng 7 năm 2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019, trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% và trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%.
Tính riêng trong 7 tháng của năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Trên 130.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng của năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75%-85% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.
Thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng là gần 100% và 85%, đặc biệt là sự bùng nổ trong quý 2 năm nay. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Một điểm đáng mừng trong bối cảnh hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố, có xu hướng tích cực. Gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý 3 năm 2022; 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 3 năm 2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý 2 năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Mặc dù hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, quy mô còn quá nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
Mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn gần đây.
Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại...
Tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy các tháng cuối năm 2022 dự kiến tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thể hiện ở 5 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18-30% theo từng thời điểm; chi phí logistics tăng cao từ 3-5 lần.
Mức độ tăng về chi phí của doanh nghiệp cao hơn mức độ tăng về doanh thu trong quý 2 năm 2022 so với quý trước đó và cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, địa phương; đồng thời quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động.
Thứ ba, việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.
Thứ tư, biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng trên thế giới không ký đơn hàng mới.
Thứ năm, một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh; nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm; các quy chuẩn về môi trường trong sản xuất chế biến thủy sản, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập…
Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân chủ yếu do sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của một số văn bản quy phạm pháp luật; thiếu thể chế tạo động lực cho cấp thực thi, nhất là ở cấp địa phương để họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây cũng là vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp liên tục phản ánh trong các kỳ hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp trước đó, là điều mà doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ tài chính khác, tuy nhiên, vẫn chưa được giải quyết thực chất và triệt để./.
Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/doanh-nghiep-phuc-hoi-kha-song-tiep-tuc-doi-mat-voi-nhieu-kho-khan-a4744.html