Vì sao tình trạng học sinh tự chế tạo pháo vẫn diễn biến phức tạp?
Ngày 31/12, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa ban hành văn bản gửi Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống việc tự chế pháo nổ.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều tuyên truyền, cảnh báo nhưng tình trạng học sinh (chủ yếu là học sinh THCS) tự chế tạo pháo trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Thực trạng này đã trực tiếp gây hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Trong đó, đã có trường hợp tử vong hoặc bị thương tật suốt đời (cụt tay, cụt chân, mù mắt...). Vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng do chế tạo pháo xảy ra trên địa bàn huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 25/12/2022 đã làm 2 em học sinh tử vong, hai em học sinh khác bị thương nặng. Hay vụ nổ làm 1 em tử vong, 1 em bị thương nặng xảy ra vào ngày 22/3/2023 tại huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk).
Mới đây nhất, ngày 14/12/2023, đã xảy ra vụ nổ nghiêm trọng do chế tạo pháo tại xã Ea Kao (Tp.Buôn Ma Thuột) làm một em học sinh bị thương nặng...
Dẫn đến thực trạng đau lòng nói trên, theo Sở GD&ĐT, nguyên nhân xuất phát từ tâm lý tò mò, thích khám phá của lứa tuổi thanh thiếu niên, tự chế pháo để sử dụng hoặc bán kiếm lời.
Bên cạnh đó, các loại hóa chất phục vụ việc chế tạo pháo có thể dễ dàng mua trên các trang Web, đồng thời có sẵn nhiều video, clip hướng dẫn cụ thể cách chế tạo các loại pháo trên mạng Internet.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, cảnh báo trong các trường học chưa thực sự hiệu quả, chưa có sự vào cuộc tích cực của các trường học, các gia đình trong quản lý con, em của mình. Hơn nữa, một bộ phận các em học sinh chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc tự chế tạo pháo, không biết “sợ”.
Ngoài ra, nhiều trường hợp các em học sinh hiện đang tàng trữ các loại pháo tự chế, các loại hóa chất, công cụ để chế tạo pháo, tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến những tai nạn thương tâm, đau lòng do tự chế pháo gây ra cho xã hội.
Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, ngăn chặn tai nạn do pháo
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng tự chế pháo nổ trong học sinh các trường học, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tai nạn do pháo,... Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 23 ngày 7/12/2023 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự thời điểm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...
Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống tự chế pháo nổ trong học sinh các trường học, nhất là đối với học sinh THCS. Trong đó, cần thông tin đến học sinh các vụ tai nạn do tự chế pháo để cảnh báo hậu quả về tính mạng, sức khỏe, hậu quả về pháp lý. Khuyến khích các em tự nguyện báo cáo, giao nộp các loại pháo tự chế, các loại hóa chất, công cụ đang tàng trữ nhằm mục đích tự chế pháo.
Đối với phụ huynh học sinh, thông báo tình hình tai nạn về pháo đến phụ huynh học sinh để cùng giáo dục, quản lý con em, phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện việc tự chế pháo nổ.
Đối với các cơ sở giáo dục, tăng cường công tác quản lý học sinh, nắm tình hình các trường hợp học sinh tự chế pháo nổ, các trường hợp học sinh đang tàng trữ các loại hóa chất chế tạo pháo để phối hợp lực lượng công an vận động, thu hồi, xử lý. Bên cạnh đó, phối hợp, cung cấp thông tin đến lực lượng công an cơ sở để hướng dẫn, thực hiện việc vận động, thu gom các loại hóa chất, công cụ sử dụng vào mục đích tự chế tạo pháo nổ.
Ngoài ra, có hình thức xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục nếu không triển khai, thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, dẫn đến xảy ra các vụ việc tai nạn của học sinh trường mình liên quan đến pháo.
Công an huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Ana nói riêng tình trạng tàng trữ trái phép nguyên liệu để chế tạo, sản xuất pháo nổ, thuốc nổ, tàng trữ, mua bán pháo nổ diễn biến phức tạp. Từ năm 2022 đến nay, Công an huyện Krông Ana đã phát hiện, xử lý 6 vụ, 8 đối tượng tàng trữ pháo nổ; 1 vụ 3 đối tượng chế tạo pháo nổ; 8 vụ 8 đối tượng sử dụng pháo nổ trái phép, trong đó đã khởi tố điều tra, đề nghị truy tố 3 vụ 4 bị can về tội Tàng trữ hàng cấm là pháo nổ. Thu giữ 30,0886 kg pháo nổ; 4,63g thuốc pháo; 1,65kg chất chế tạo pháo.
Đáng nói, trong thời gian qua, nhiều người trong độ tuổi thanh thiếu niên, lứa tuổi học sinh thường xuyên lên mạng xã hội, Youtube để tìm hiểu công thức chế tạo pháo nổ, thuốc nổ. Sau đó, đặt mua các tiền chất thuốc nổ thông qua kênh mua sắm Lazada, Shopee... rồi tự pha chế, trộn lẫn các nguyên liệu này theo tỉ lệ khác nhau. Tuy nhiên, việc tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ đã trở thành mối nguy hiểm vô cùng lớn, là “mối thảm hoạ” rình rập đến tính mạng của bất cứ ai, kể cả những người trực tiếp chế tạo pháo nổ hay vô tình xuất hiện ở gần khu vực bị cháy, nổ.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/dak-lak-xu-ly-nguoi-dung-dau-cac-co-so-giao-duc-neu-de-xay-ra-tai-nan-phao-no-a48050.html