Gỡ điểm nghẽn cho đầu tư công

Được xác định là động lực tăng trưởng chính, cú huých cho nền kinh tế bật lên sau đại dịch nhưng trên thực tế, hiệu quả đầu tư công không được như kỳ vọng vì tốc độ giải ngân vốn rất chậm, có nguy cơ làm vỡ tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. Nếu điểm nghẽn này không sớm được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi kinh tế- xã hội đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được bố trí lên đến hơn 540.000 tỷ đồng, tăng hơn 110.000 tỷ đồng so với năm 2021 và gấp hai lần so năm 2016. Trước khối lượng công việc rất lớn, Chính phủ xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hàng đầu của toàn hệ thống chính trị và liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thúc đẩy giải ngân, không để lặp lại tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Nhiều công trình hạ tầng xã hội ở khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn (huyện Long Thành, Đồng Nai) dang dở do không giải ngân được vốn. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)
Nhiều công trình hạ tầng xã hội ở khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn (huyện Long Thành, Đồng Nai) dang dở do không giải ngân được vốn. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)

Tuy nhiên, kết quả thực hiện trên thực tế chưa chuyển biến mạnh, nếu không nói là chậm trễ.

Dự án nghìn tỷ, giải ngân 0 đồng

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giải ngân vốn đầu tư công đang đặt trong tình trạng “báo động đỏ” vì tổng vốn đầu tư công năm 2022 là 31.943 tỷ đồng nhưng bảy tháng mới giải ngân được 8.467 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch cả năm. Đáng lưu ý, có đến 100 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0; 12 dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp mới giải ngân dưới 10%, ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng vì những dự án này có tác động trực tiếp đến nhu cầu thực tế của địa phương và của người dân.

Điểm danh các dự án chậm tiến độ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải nhắc đến những cái tên như: Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên-Bình Chánh, Bệnh viện Đa khoa Phạm Ngọc Thạch,… Riêng dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng thành phố (huyện Bình Chánh) vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, được nghiệm thu, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ba năm trước nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giải ngân đồng nào.

Dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 được bố trí 1.990 tỷ đồng, mới giải ngân 43 tỷ đồng (đạt 2,1%); nút giao An Phú bố trí 375 tỷ đồng, giải ngân 15 tỷ đồng (4%), hầm chui giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ bố trí 200 tỷ đồng, giải ngân 9,3 tỷ đồng (4,6%);…

“Chúng tôi rất sốt ruột khi quá trình thanh toán cho các đơn vị bị chậm so với kế hoạch. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, các đơn vị gửi văn bản đến chủ đầu tư đôn đốc việc gửi hồ sơ pháp lý, gửi hồ sơ nghiệm thu thanh toán nhưng mọi thứ dường như giẫm chân tại chỗ”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói. Lý giải nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân thấp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Bảy cho biết chủ yếu do giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định giá bồi thường. Nơi nào được lãnh đạo quan tâm thì hồ sơ “chạy” nhanh, ngược lại, hồ sơ bị đá đi đá lại, rồi lạc hậu về thủ tục, pháp lý nên mất rất nhiều thời gian xử lý.

Tại Bình Dương, kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 8.909 tỷ đồng, đến giữa tháng 7 mới giải ngân 2.868 tỷ đồng, đạt 32,2% kế hoạch, tuy tăng gấp gần hai lần so cùng kỳ năm 2021 song vẫn thấp hơn kế hoạch. Sự chậm trễ trong đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án của tỉnh. Khó khăn, trở ngại có nguyên nhân từ trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phức tạp; chính sách bồi thường, hỗ trợ không phù hợp thực tế; các địa phương không có quỹ đất bố trí tái định cư…

Hiện có khoảng 46 dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 với tổng vốn bố trí 1.769 tỷ đồng đang gặp khó khăn, vướng mắc về mặt bằng. Tương tự, tỉnh Đồng Nai cũng mới giải ngân hơn 32% vốn kế hoạch cả năm, tương ứng khoảng 4.500 tỷ đồng trên tổng số hơn 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng tiến độ giải ngân là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, ngoài ra còn do các cơ quan thiếu quyết liệt, chưa chú trọng kiểm tra, giám sát tiến độ dự án.

Tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, 9 trong tổng số 11 công trình hạ tầng xã hội phục vụ người dân đến sinh sống tại khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn vẫn dang dở do không thể giải ngân được vốn. Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện một nhà thầu chia sẻ: “Niên độ của dự án đã hết cho nên việc thanh toán với chủ đầu tư không thực hiện được, doanh nghiệp muốn vay vốn để phục vụ dự án cũng khó. Nhà thầu buộc phải giảm tiến độ, đợi khi có vốn mới dồn lực hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư”.

Chậm vì… địa phương không dám làm

Theo Bộ Tài chính, tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành đến giữa tháng 7 mới giải ngân gần 15.777 tỷ đồng, đạt hơn 69% kế hoạch giao. Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư có tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng, được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Tỉnh Đồng Nai cam kết hoàn thành giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2021 nhưng không thực hiện được, Quốc hội và Chính phủ phải cho lùi đến cuối năm 2022. Để giải ngân hết số vốn được giao đúng yêu cầu, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh.

Ngay cả các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước như Đà Nẵng, Hà Tĩnh cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại. Chỉ huy trưởng công trường dự án đường vành đai phía tây Đà Nẵng (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) Trương Xuân Thành cho biết, dự án được khởi công từ tháng 9/2018, nhưng đến nay vẫn còn 800m chưa bàn giao mặt bằng, khiến việc thi công gặp rất nhiều khó khăn.

Gỡ điểm nghẽn cho đầu tư công ảnh 1

Thi công Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh) từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). (Ảnh NGÔ TUẤN)

Trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), một số dự án đã hết thời gian thi công nhưng không bàn giao được mặt bằng vì người dân không chấp nhận giá bồi thường nên toàn bộ dự án bị đình trệ. Dịp cuối năm, thời tiết thường diễn biến bất lợi, không tận dụng được “thời gian vàng” đầu năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước, Bộ Tài chính ước tính bảy tháng năm 2022 đã giải ngân hơn 186.848 tỷ đồng, bằng 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm hơn 2% so cùng kỳ năm 2021. Chỉ có một cơ quan Trung ương và 11 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 50% kế hoạch, như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Thái Bình (66,94%), Tiền Giang (62,25%), Hưng Yên, Ninh Bình,… 41/51 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó 17 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch.

Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam tỷ lệ giải ngân bằng 0. Về tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Tài chính cho biết dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 2017-2020 mới giải ngân 35% kế hoạch vốn năm 2022 được giao, hiện 11/11 dự án thành phần đã khởi công xây dựng và 1 dự án đã hoàn thành (đoạn Cao Bồ-Mai Sơn). Dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao 257 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện chuẩn bị đầu tư, đã giải ngân khoảng 185 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.

Làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư ì ạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân vốn chậm đã diễn ra từ nhiều năm nhưng năm nay nảy sinh nhiều vấn đề mới. Đáng lo ngại, có tình trạng các địa phương rất e ngại xử lý các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư,… một số địa phương không dám làm, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Bên cạnh đó, “bão giá” vật liệu từ cuối năm 2021 trở lại đây, trong khi các dự án thường ký hợp đồng trọn gói (không được điều chỉnh đơn giá), nhà thầu càng làm càng lỗ, buộc phải “án binh bất động” chờ chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Trong nhiều văn bản kiến nghị Quốc hội và Chính phủ vừa qua, đại diện các nhà đầu tư, nhà thầu thi công cao tốc bắc-nam cho biết tại thời điểm ký hợp đồng, giá vật tư, nhiên liệu chạm đáy nhưng tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá vật tư, vật liệu chính tăng 20-30% so giá trị hợp đồng.

Trong khi đó, chỉ số giá vật liệu do địa phương công bố thường có xu hướng ép xuống, chỉ số trượt giá tối đa chỉ khoảng 14-15% cho nên ngay cả khi được điều chỉnh cũng không đủ bù lỗ. Nếu cơ quan quản lý không kịp thời tháo gỡ khó khăn này, nguy cơ vỡ tiến độ thi công đường cao tốc bắc-nam là hiện hữu, kéo theo hệ lụy không nhà thầu nào dám tham gia dự án giai đoạn 2021-2025 đang chuẩn bị triển khai.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá vật liệu tăng đột biến thời gian qua đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm việc làm tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. “Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, các dự án lớn, hạ tầng quan trọng, việc chậm giải ngân ảnh hưởng đến huy động các dòng vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ và người dân, có nguy cơ đội vốn gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo.

(Còn nữa)​​​​​​​

NHÓM PHÓNG VIÊN

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/go-diem-nghen-cho-dau-tu-cong-a4819.html