Chi tiết bảng lương mới của giáo viên và nhiều chính sách hiệu lực từ 1/2024

Năm 2024, nhiều chính sách trong lĩnh vực giáo dục về tiền lương, thưởng, chế độ cho nhà giáo sẽ được thực thi.

Từ tháng 1/2024, những giáo viên dạy học tại các trường dự bị đại học sẽ được tính lương, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới.

Các quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học; đánh giá, công nhận đơn vị học tập, quy định về chiến sĩ thi đua mới... là chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2024.

Giáo dục - Chi tiết bảng lương mới của giáo viên và nhiều chính sách hiệu lực từ 1/2024

Ảnh minh họa.

Cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Thông tin trên báo Dân Trí, điểm nổi bật được quan tâm trong chính sách năm 2024 là việc cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm.

Trong đó, đội ngũ giáo viên đang là lực lượng chủ yếu trong hệ thống cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, bảng lương sẽ thiết kế cơ cấu mới gồm: Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Ngoài ra, bảng lương sẽ bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Theo Nghị quyết, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.

Lương giáo viên sẽ được tính theo công chức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).

Như vậy, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương.

Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực từ 1/1/2024

Cụ thể, Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực từ 1/1/2024 với nhiều điểm mới liên quan tới viên chức giành giáo dục. Theo đó, điều 23 về danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Luật mới quy định cá nhân được xét, đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là những người đạt các tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.

Theo hướng dẫn này, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Bảng lương giáo viên dự bị đại học mới

Theo VTC News, Thông tư số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/1 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học.

Thông tư quy định cụ thể về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên dự bị đại học mỗi hạng.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học bao gồm: Giáo viên dự bị đại học hạng III - Mã số: V.07.07.19; giáo viên dự bị đại học hạng II - Mã số: V.07.07.18; giáo viên dự bị đại học hạng I - Mã số: V.07.07.17.

Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng với Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1

Thông tư 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 23/1, quy định việc dạy và học Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.

Theo thông tư, việc dạy học Tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục đích chuẩn bị tâm thế, hình thành các kĩ năng học tập cơ bản; hình thành và phát triển năng lực nghe, nói, đọc, viết. Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, tương ứng với 20 bài học, thể hiện thông qua các chủ đề, chủ điểm gần gũi và phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất người học.

Thông tư cũng quy định, tùy vào điều kiện ở từng địa phương, hiệu trưởng và bộ phận chuyên môn lập kế hoạch chi tiết sao cho phù hợp, hiệu quả.

Sở GD&ĐT các địa phương chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hoạt động tổ chức dạy học này theo quy định.

Công thức tính lương hưu của giáo viên 2024

Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lương hưu của giáo viên được tính theo công thức: Lương hưu hằng tháng = Tỉ lệ hưởng x mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Với lao động nam, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Đối với lao động nữ, đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm lao động sẽ bị trừ tỉ lệ hưởng, mỗi năm nghỉ hưu sẽ bị trừ 2% vào tổng tỉ lệ hưởng.

Đổi mới chính sách tiền lương, thu nhập giáo viên tăng từ 2024 - 3
Giáo viên tại TPHCM đã về hưu trong một tiết dạy tái hiện quá khứ (Ảnh: Bùi Trung).

Ví dụ, giáo viên nam A đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 25 năm. Khi giáo viên này nghỉ hưu, tỉ lệ lương hưu sẽ được nhận như sau:

20 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng 45%.

5 năm đóng bảo hiểm xã hội còn lại được hưởng 5 x 2% = 10%.

Tổng tỉ lệ lương hưu của giáo viên A = 45% + 10% = 55%.

Giả sử mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên A là 9 triệu đồng/tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Trong đó, bao gồm mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ ốm đau, thai sản; quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, trên cơ sở lương của người lao động, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 32% (trong đó người lao động đóng 10,5% tiền lương, người sử dụng lao động đóng 21,5% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội).

Như vậy, giả sử với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 9 triệu đồng/tháng thì mức hưởng lương hưu của ông A là = 55% x 9 triệu đồng = 4,95 triệu đồng/tháng.

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/chi-tiet-bang-luong-moi-cua-giao-vien-va-nhieu-chinh-sach-hieu-luc-tu-12024-a48234.html