Tuy xăng, dầu đã giảm giá liên tiếp 5 lần, nhưng hầu hết doanh nghiệp vận tải vẫn chưa điều chỉnh giá cước. |
Từ 15 giờ ngày 11/8, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 5, còn 25.340 đồng/lít đối với xăng Ron 95 V và 24.660 đồng/lít đối với xăng Ron 95 III; xăng E5 Ron 92 còn 23.720 đồng/lít; dầu đi-ê-den loại 0,05S còn 22.900 đồng/lít,...
Chậm giảm giá
Theo Bộ Công thương, mặt hàng xăng có xu hướng giảm do ảnh hưởng từ giá thế giới và tác động của việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nhiều người quan niệm, các mặt hàng tăng giá do xăng, dầu nhưng thực tế đối với sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xăng, dầu chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3,48% chi phí. Nếu xăng, dầu tăng giá 10%, tác động hàng hóa tăng khoảng 3%. Đối với hoạt động vận tải, giá xăng, dầu được đánh giá có tác động rất lớn do chiếm tỷ trọng khoảng 30% chi phí của ngành.
Tuy nhiên, đại diện các bến xe trên địa bàn Hà Nội cho biết, cho đến thời điểm này, mặc dù xăng, dầu đã 5 lần giảm giá, mức giảm sâu khoảng 7.500-8.200 đồng/lít nhưng các nhà xe vẫn chưa có động thái nào giảm giá cước. Có thể trước đó, khi giá xăng, dầu lên cao, các nhà xe đều phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi phí về mức tối thiểu, đến nay vẫn chưa đủ bù lỗ nên chưa giảm cước ngay. Mặt khác, do nhu cầu đi lại của người dân sau đại dịch Covid-19 còn thấp nên hoạt động các nhà xe tương đối ảm đạm, hệ số khách chỉ đạt khoảng 1/3. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Thành Công (đơn vị quản lý hãng taxi Sông Nhuệ) Phạm Văn Anh cho biết, mặc dù xăng, dầu giảm giá liên tiếp, giúp doanh nghiệp vận tải giảm áp lực nhưng vẫn chưa hết khó khăn.
Hơn nữa, giá xăng, dầu hiện tại có xu hướng bất ổn, diễn biến khó lường, nếu doanh nghiệp giảm giá cước ngay, kỳ tới nếu xăng, dầu tiếp tục tăng trở lại sẽ khiến các nhà xe “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều hãng taxi xây dựng phương án giảm giá cước nhưng đang phải chờ thêm tín hiệu thị trường và trình các cơ quan quản lý liên quan phê duyệt.
Theo ghi nhận, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hãng taxi Group dù giảm cước sau khi xăng, dầu tiếp tục giảm giá vừa qua, song mức niêm yết vẫn rất cao, giá mở cửa 20 nghìn đồng, từ km tiếp theo đến km 25 có giá 19.600 đồng/km và từ km 26 trở đi có giá 16.200 đồng/km. Hầu hết các hãng khác tuy có cùng giá mở cửa, song mức cước các km sau thấp hơn nhiều, như taxi Mai Linh từ km tiếp theo đến km 30 mức 16.500 đồng/km, km 31 trở đi chỉ 13.200 đồng/km; taxi G7, từ km tiếp theo đến km 30 là 15.000 đồng/km, từ km 31 trở đi 12.500 đồng/km; Sao Thủ đô, từ km tiếp theo đến km 25 là 15.000 đồng/km, từ km 26 trở đi 13.000 đồng/km.
Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, so với mặt bằng chung ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, cước taxi ở Hà Nội hiện nay vẫn thấp hơn. Xe Toyota Vios (5 chỗ) ở Đà Nẵng, từ km tiếp theo niêm yết 18.500 đồng/km.
Đối với xe khách liên tỉnh, Hiệp hội vận tải Yên Bái nhận xét, trong giai đoạn giá xăng tăng liên tục, chỉ duy nhất hãng xe Hải Phượng tăng giá tuyến Hà Nội-Yên Bái từ 120 nghìn đồng lên 150 nghìn đồng, các hãng khác đều giữ nguyên mức cước cũ vì lượng khách đi xe thấp (ảnh hưởng dịch Covid-19), cùng sự phát triển của các loại hình xe ghép, xe đi chung, doanh nghiệp vận tải sợ tăng giá vé sẽ khiến khách bỏ chọn đi xe tuyến cố định nên cố gắng duy trì dù chuyến nào cũng lỗ.
Tuyến Hà Nội-Lào Cai, hầu hết các doanh nghiệp đều giữ nguyên giá vé sau đợt tăng giá vào tháng 3/2022, dao động quanh mức 260-280 nghìn đồng/vé, trong đó hãng Sao Việt giá 280 nghìn đồng/vé. Nguyên nhân được các doanh nghiệp nêu do một thời gian dài giá xăng tăng liên tiếp, đạt đỉnh 33 nghìn đồng/lít, nhưng các doanh nghiệp vận tải không tăng giá vé. Do đó, dù giá xăng gần đây giảm nhưng thời gian chưa dài, chưa đủ để doanh nghiệp bù lỗ.
Từ chối dịch vụ giá cao
Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, mức giá cước khoảng 15 nghìn đồng/km với giá trị đầu xe hơn 400 triệu đồng chỉ đủ bù chi phí. Các doanh nghiệp vận tải đang theo dõi rất sát biên độ điều chỉnh giá xăng để cân nhắc điều chỉnh giảm giá cước tương ứng. “Từ năm 2019 đến năm 2022, giá xăng tăng hơn 60%, tại kỳ điều chỉnh ngày 11/8 vừa qua, giảm xuống còn hơn 55%, nhưng giá cước taxi mới điều chỉnh tăng gần 30%, so sánh với giá xăng, giá cước vận tải vẫn chênh lệch rất lớn.
Doanh nghiệp taxi rất quyết tâm giữ bình ổn giá để cạnh tranh với các hãng xe công nghệ và lấy lại lượng khách sụt giảm sau đại dịch Covid-19” - một chủ hãng taxi lớn tại Hà Nội cho hay.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, xăng, dầu giảm giá sâu thời gian gần đây là tín hiệu tốt không chỉ cho lĩnh vực vận tải, mà cho cả nền kinh tế. Thực tế cũng cho thấy, không phải cứ xăng, dầu tăng, doanh nghiệp vận tải tăng giá cước theo hoặc ngược lại, mà mỗi doanh nghiệp có thể chủ động cân đối, tính toán, đưa ra giá cước phù hợp tình hình hoạt động kinh doanh của đơn vị. Điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước phải bình ổn được giá xăng, dầu, để doanh nghiệp vận tải yên tâm xây dựng kế hoạch kinh doanh, khách hàng được bảo đảm quyền lợi.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, giá cước vận tải hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp xây dựng mức cước trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải. Chi phí về nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải. Giá đó được doanh nghiệp dự báo trong một chu kỳ để tính toán cước, đồng thời cũng được tính trên cung cầu của thị trường, độ tín nhiệm của chủ hàng hay hành khách, chất lượng dịch vụ,... Như vậy, giá cước phụ thuộc nhiều yếu tố chứ không chỉ xăng, dầu. Tuy nhiên, khi đã hoạt động theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý, thể hiện sự sòng phẳng và tôn trọng khách hàng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, nghịch lý giá xăng, dầu giảm nhưng giá cước không giảm mà còn neo ở mức cao khiến dư luận bức xúc, song giá xăng, dầu diễn biến thất thường, nếu điều chỉnh giảm cước xong mà giá xăng, dầu lại tăng lên, tiếp tục điều chỉnh theo sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp, còn không sẽ lại phải bù lỗ. Cước vận tải không phải là lĩnh vực Nhà nước định giá, chỉ cần thỏa thuận giữa người bán và người mua.
Do đó, người tiêu dùng có thể từ chối sử dụng dịch vụ khi giá cước bị “thổi” lên cao, không phù hợp thực tế thị trường. Tiếp đến, các cơ quan chức năng cũng có biện pháp gây áp lực, buộc doanh nghiệp có sự chia sẻ, hài hòa trong những giai đoạn khó khăn. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm nhận định, thị trường xăng, dầu thời gian tới có khả năng vẫn biến động phức tạp. Petrolimex đã làm việc với một số nhà cung cấp nước ngoài, đề nghị cung cấp xăng, dầu cho Tập đoàn từ giờ đến cuối năm, song không có nhà cung cấp nào dám khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ sản lượng mà Petrolimex yêu cầu.
Những ngày gần đây, giá xăng, dầu tiếp tục có biến động bất thường, tăng giảm khó dự đoán. Tuy nhiên, do Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động với 110% công suất, tính ổn định cao, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng dần chuyển sang trạng thái hoạt động tương đối ổn định, sẽ góp phần chủ động nguồn cung trong nước.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát cao vào dịp nửa cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Thủ tướng giao Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, linh hoạt sử dụng các công cụ bình ổn trong điều hành để giá xăng, dầu trong nước ở mức phù hợp và xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng; giao Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Thủ tướng cũng giao ngành giao thông và các địa phương rà soát, kê khai giá vận tải của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc điều chỉnh giá cước có phù hợp với các yếu tố đầu vào và chi phí xăng dầu trong hình thành giá hay không...
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/xang-dau-giam-gia-cuoc-van-tai-van-neo-cao-a4882.html