Thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Sáng 18/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. (Ảnh: DUY LINH)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. (Ảnh: DUY LINH)

Trong báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, ngày 15/8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (dự thảo Pháp lệnh).

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Điều 4), có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để quy định phù hợp, đầy đủ về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát các đối tượng bị xử phạt trong dự thảo Pháp lệnh nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh bổ sung quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với hội thẩm nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng, để thống nhất với khoản 8 Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: “Hội thẩm… nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đồng thời, dự thảo Pháp lệnh cũng bỏ quy định liên quan đến xử phạt hành chính đối với trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, vì đối tượng này là viên chức (theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý), do đó, nếu thực hiện hành vi vi phạm thì họ sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng ảnh 1
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, nhiều ý kiến tán thành quy định tại Chương III của dự thảo Pháp lệnh, đồng thời, đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, bổ sung Điều 32, Điều 40 và khoản 9 Điều 41 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Pháp lệnh về phân định thẩm quyền xử phạt theo giai đoạn tố tụng; có ý kiến đề nghị bổ sung cho Công an nhân dân thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự trong cả giai đoạn xét xử, sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, dự thảo Pháp lệnh phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo giai đoạn tố tụng là căn cứ vào đặc điểm của hoạt động tố tụng hình sự, theo đó, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Công an nhân dân chủ yếu xảy ra trong giai đoạn điều tra; trong giai đoạn xét xử, phần lớn là các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án. Do vậy, việc phân định thẩm quyền xử phạt của các cơ quan gắn với giai đoạn tố tụng sẽ bảo đảm mạch lạc và rõ về chủ thể có thẩm quyền xử phạt.

Liên quan đến hình thức xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp nêu rõ: Việc quy định hình thức xử phạt đối với hành vi trong dự thảo Pháp lệnh cần phải bảo đảm thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Lấy thí dụ đối với hành vi vi phạm của luật sư, dự thảo Pháp lệnh không quy định hình phạt bổ sung là “tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn” như các nghị định của Chính phủ, vì hầu hết các chủ thể có thẩm quyền xử phạt trong Pháp lệnh này lại không được Luật Xử lý vi phạm hành chính giao thẩm quyền áp dụng biện pháp “tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn”.

Thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá việc tước giấy phép hành nghề là rất “nặng” đối với một luật sư, do đó thẩm quyền thế nào, khi nào tước giấy phép hành nghề thì vẫn nên theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; và không nên chuyển thẩm quyền cho người khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, điều chỉnh, nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh trước khi ký ban hành.

Tại phiên họp, với sự đồng thuận của 100% đại biểu có mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

VĂN TOẢN

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/thong-qua-phap-lenh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-doi-voi-hanh-vi-can-tro-hoat-dong-to-tung-a4913.html