Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024, một số trường đại học đã lên phương án bỏ xét tuyển bằng kết quả học bạ ở bậc THPT. Nói về phương án này, nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ bậc THPT để xét tuyển, thay vào đó nên sử dụng kết quả học bạ kết hợp với các điều kiện khác như điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, bài kiểm tra đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển. Cách làm này sẽ có độ tin cậy cao hơn trong bối cảnh dư luận nghi ngại có hiện tượng “làm đẹp” học bạ cho học sinh ở bậc THPT.
Đáng chú ý mùa tuyển sinh năm 2023, cả nước có ít gần 200 trường đại học sử dụng phương án xét tuyển học bạ để tuyển sinh. Tuy nhiên, đầu năm 2024, theo thông tin từ một số cơ sở họ đã bỏ phương án này.
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai.
Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.
Thông tin trên báo Đầu Tư, theo đề án tuyển sinh đại học năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (18% chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (80% chỉ tiêu). Như vậy, Đại học Kinh tế Quốc dân không còn tuyển sinh bằng học bạ đối với nhóm học sinh chuyên. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu.
Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy năm nay.
Dự kiến Trường Đại học Luật Tp.HCM cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng); xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu.
Thời gian gần đây, việc liên tiếp nhiều trường nói không với tuyển sinh căn cứ vào điểm học bạ cho thấy xu thế tuyển sinh trọng về chất lượng hơn số lượng đang được một số trường top chú trọng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, đa số các trường vẫn tuyển sinh đại học bằng học bạ. Vì các tuyển sinh này “nhàn hạ” cho các trường song chất lượng đầu vào không đáp ứng như kỳ vọng.
Thông tin trên Nhà báo & Công luận, trước vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng tuyển sinh đại học thông qua học bạ khó đảm bảo công bằng. Bởi chất lượng dạy học, đánh giá của các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau; Thậm chí, có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau, truyền thống và uy tín… cũng khác, nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. Đặc biệt, học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại chưa nổi trội. Ví dụ một em có điểm tổng kết một môn nào đó là 9, học lực giỏi theo học bạ của trường này nhưng không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác.
Bên cạnh đó, chưa kể, tỉ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này GS.TS.Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, việc các trường đại học có xu hướng loại bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ là hợp lý.
Điểm học bạ là điểm đánh giá một quá trình học tập của học sinh cùng với cách tính điểm trung bình cộng nên việc bù điểm, kéo điểm giữa các kỳ kiểm tra sẽ có lợi thế hơn so với tính điểm môn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đại học.
GS.TS.Phạm Tất Dong cũng cho rằng, phương thức xét học bạ ít nhiều dẫn đến các vấn đề tiêu cực như tình trạng mua điểm, làm đẹp học bạ, từ đó dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.
Bên cạnh đó, chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở sẽ khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ THPT để xét tuyển đại học, sẽ không bảo đảm sự công bằng trong xét tuyển đại học giữa các thí sinh trong cả nước.
Về giải pháp, theo nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, các trường có thể đưa ra đề án tuyển sinh riêng với một số quy định nghiêm ngặt hơn để lọc thí sinh giỏi thực sự như: Tăng chỉ tiêu cho các phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kết quả thi tốt nghiệp THPT…
Theo số liệu trên VTV, tính đến mùa tuyển sinh 2023, gần 40 cơ sở giáo dục đại học đã sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển đại học. Còn với bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả này. Dự kiến năm nay con số còn tăng lên.
Giữ ổn định phương thức xét tuyển, nhưng sẽ điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu cho mỗi phương thức khác nhau là định hướng tuyển sinh năm nay nhiều trường sẽ áp dụng.
Những ngày tới, nhiều trường đại học sẽ công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Thí sinh lưu ý cập nhật sớm để chủ động trong mùa xét tuyển đại học năm nay.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/nhieu-truong-dai-hoc-top-dau-bo-phuong-an-xet-tuyen-theo-hoc-ba-a49272.html