Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Các tỉnh vùng cao Việt Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đây là cái nôi cách mạng, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu với nhiều di sản văn hóa độc đáo. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ. Đặc biệt là bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó là những lợi thế để các tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế so sánh với các tỉnh trong nước.
Tuy nhiên, phát triển du lịch trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế nên lượng du khách đến vẫn còn ít. Nguyên nhân là do các sản phẩm du lịch của các tỉnh chưa thật sự hấp dẫn, khác biệt. Chất lượng dịch vụ chưa cao, đặc biệt là còn thiếu các dịch vụ cao cấp. Sự liên kết phát triển du lịch vùng chưa nhiều do những khó khăn về hạ tầng giao thông.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gợi ý một số vấn đề các tỉnh cần quan tâm. Các địa phương trong vùng cần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về các giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống. Cùng khai thác những tiềm năng, lợi thế đó, nhưng các địa phương phải hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, bản sắc để tạo nên các sản phẩm du lịch có sự khác biệt, trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng cao Việt Bắc. Bên cạnh đó, để hình thành các sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh thì yếu tố quan trọng là phải thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, những người làm du lịch. Chính quyền các địa phương tạo dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào du lịch.
Các đại biểu dự hội thảo đã góp ý, thảo luận về những giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh. Tại các vùng du lịch ở vùng cao Việt Bắc chưa có sự phong phú về các sản phẩm du lịch, do đó chưa níu chân được du khách. Do đó, các địa phương cần nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới để tăng thời gian trải nghiệm, giữ du khách lưu trú lâu hơn.
Các địa phương trong vùng, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến du lịch đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên các nền tảng số, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận thông tin nhanh. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Đặc biệt là Đảng, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ cho các tỉnh hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến đường liên vùng, liên tỉnh.
Tại hội thảo, lãnh đạo 6 tỉnh Việt Bắc đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022-2027. Đồng thời, thực hiện nghi thức công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc, gồm: Sản phẩm “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang-Cao Bằng-Lạng Sơn”; sản phẩm “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”; sản phẩm “Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên”.
Kết thúc hội thảo, tỉnh Hà Giang đã bàn giao cờ luân phiên đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm chương trình hợp tác du lịch năm 2023 cho tỉnh Tuyên Quang.
KHÁNH TOÀN
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/phat-trien-san-pham-du-lich-lien-ket-6-tinh-viet-bac-a5063.html