Bồi thường, tái định cư kiểu mẫu

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ triển khai nhiều dự án xây dựng nên công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng luôn quan trọng hàng đầu...

Trong Chương trình “Dân hỏi-chính quyền trả lời” diễn ra sáng 11-9-2022, do Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình thành phố tổ chức, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bồi thường, tái định cư Dự án Vành đai 3 sẽ là kiểu mẫu”.

Thông tin này khiến cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án và dư luận rất vui mừng, phấn khởi. Với chủ trương này, chênh lệch giữa giá bồi thường và giá thị trường sẽ được bù đắp đáng kể, việc giải quyết ý kiến, khiếu nại sẽ nhanh chóng và thấu tình, đạt lý hơn. 

Bồi thường, tái định cư kiểu mẫu

Ảnh minh họa: tapchixaydung.vn

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu về công tác phát triển, chỉnh trang đô thị; triển khai thực hiện nhiều dự án về giao thông, xây dựng các khu chế xuất-khu công nghiệp, khu công nghệ và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Cũng vì thế mà công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng ở đây luôn được quan tâm bậc nhất.

Thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Thành phố cũng kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định liên quan đến đền bù, hỗ trợ, tái định cư trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, trong đó, dành nhiều sự quan tâm tới người sử dụng đất, đặc biệt là những gia đình chính sách, hộ nghèo.

Vì thế, nhiều dự án xây dựng lớn của thành phố đã được hoàn thành, góp phần tích cực để địa phương phát triển đi lên, giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở TP Hồ Chí Minh cũng bộc lộ một số bất cập. Đó là một số quy định mới thay thế chưa theo kịp thực tế phát triển của địa phương, dẫn đến không ít dự án bị chậm trễ, gây bức xúc, khiếu kiện của người dân.

Chẳng hạn như Dự án đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, UBND thành phố phải xin lỗi dân vì điều chỉnh tim tuyến đường Hồng Hà. Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) thời gian thi công chỉ 6 tháng, nhưng công tác đền bù phải chờ từ 1 đến 2 năm. Gần đây, Dự án cải tạo kênh A41 thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều hộ dân khiếu nại về việc chủ đầu tư tự ý “nắn chỉnh” tim kênh; thiết kế độ rộng của vỉa hè đường trên kênh quá rộng so với quy định; bồi thường giá đất chỉ bằng 35-40% so với giá đất thị trường; một số người lấn chiếm hành lang kênh, lòng kênh vẫn được công nhận chủ quyền để đền bù 100%...

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ triển khai nhiều dự án xây dựng nên công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng luôn quan trọng hàng đầu. Vấn đề mấu chốt ở đây là phải dung hòa được lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và đúng luật, không được cậy quyền, cậy chức hay vì thân quen, lợi ích nhóm mà “uốn thẳng thành cong”.

Các địa phương phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp, có chính sách đặc thù để khắc phục sự chênh lệch giữa giá đất đền bù với giá đất thị trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng lợi ích của dự án, giải quyết tốt các ý kiến, khiếu nại hay tố cáo của người dân.

Có như vậy, việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư của các dự án mới đạt hiệu quả cao, trở thành kiểu mẫu cho các dự án sau này.

THẮNG LỢI 

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/boi-thuong-tai-dinh-cu-kieu-mau-a5420.html