Bước vào kỳ tuyển sinh năm 2024, hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tiếp tục lựa chọn kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển với tỉ lệ chỉ tiêu lớn.
Nhưng những kỳ thi đánh giá năng lực có ma trận, cấu trúc hoàn toàn khác nhau với những mục tiêu đánh giá theo yêu cầu của từng trường điều này khiến thí sinh cần có sự tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể có thành tích tốt.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Khắc Ngọc – Giáo viên luyện thi tại Hệ thống giáo dục Học mãi đánh giá xu hướng các trường đại học lớn đứng ra tổ chức kỳ thi riêng trong những năm gần đây mở ra thêm những cơ hội cho thí sinh được trúng tuyển vào các trường đại họ.
“Đặc biệt, thông qua số lượng thí sinh đăng ký thể hiện rất rõ mức độ quan tâm của học sinh, phụ huynh đối với các kỳ thi này rất lớn”, chuyên gia bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cho rằng dù có nhiều kỳ thi xét tuyển vào đại học nhưng nhiều thí sinh và gia đình vẫn còn bối rối thiếu sự định hướng khi tham gia.
“Các em còn thiếu xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân, thậm chí tìm hiểu về các kỳ thi ở thời điểm sát nút, điều này khiến cho khó được kết quả như ý. Kinh nghiệm cho thấy ở bất kể một kỳ thi nào muốn tham gia thì phải hiểu rõ quy chế và có sự chuẩn bị từ sớm”, ông Vũ Khắc Ngọc bày tỏ.
Đưa ra bí kíp cho các em học sinh, chuyên gia cho biết học sinh và gia đình cần có kế hoạch học tập bài bản và tìm hiểu sớm cấu trúc bài thi, thời giam và quy chế.
Cụ thể, việc đầu tiên các em phải xác định bản thân mình phù hợp với nhóm ngành nghề gì và nhóm trường như thế nào.
Sau khi “khoanh vùng” trường và ngành tiếp đến phải tìm hiểu các trường tuyển sinh bằng những phương thức nào và chọn ra phương thức thích hợp với bản thân để dự thi.
“Nhiều em hiện nay không biết mình học cái gì nên đăng ký tràn lan không nên và rất dễ gây áp lực. Các em nên lựa chọn 1-2 kỳ thi riêng, bởi nhìn chung cấu trúc bài thi của các kỳ thi là khác nhau”, ông Ngọc cho hay.
Ngoài ra, về mặt thủ tục, để tránh xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi đăng ký được dự thi thí sinh không nên đăng ký bằng nhiều thiết bị gây quá tải truy cập, một tài khoản các em nên chỉ truy cập bằng một thiết bị.
Với hơn 51.000 lượt thi trong 3 đợt thi đầu tiên của năm nay, bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những kỳ thi riêng được đông đảo thí sinh quan tâm.
Chia sẻ giúp thí sinh có kết quả cao trong kỳ thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết với các bài thi trắc nghiệm các em phải phân bố hợp lý thời gian làm bài bằng cách chia thời gian đọc hiểu đề bài, đọc hướng dẫn trước khi lựa chọn đáp án.
Đặc biệt cần giành thời gian để xem lại toàn bộ bài thi, làm lại các câu hỏi khó trong hợp phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp.
“Ngoài ra thí sinh nên làm các bài thi tham khảo trước khi đi thi, việc làm thử đề thi tham khảo giúp cácm em làm quen với cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi để đưa ra lựa chọn thích hợp nhất”, ông Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.
Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy của Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố.
Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT và đảm bảo quyền lợi của học sinh, từ năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã điều chỉnh nội dung và hình thức của bài thi Đánh giá tư duy (TSA) theo hướng gọn nhẹ, xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học.
Theo đó, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính.
Bài thi sẽ được tổ chức nhiều đợt thi trong năm, thí sinh dự thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu. Cấu trúc và nội dung bài thi Đánh giá tư duy sẽ được giữ ổn định trong nhiều năm tới.
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tuyen-sinh-2024-cach-chon-bai-thi-danh-gia-phu-hop-voi-nang-luc-a56404.html