Trên 1.300 cây chè Shan Tuyết được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao quyết định công nhận 1.324 cây chè Shan Tuyết trên địa bàn 5 huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên và Xín Mần của tỉnh Hà Giang.

Tren 1.300 cay che Shan Tuyet duoc cong nhan la Cay Di san Viet Nam hinh anh 1

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công bố và trao quyết định công nhận 1.324 cây chè Shan tuyết của tỉnh Hà Giang là Cây Di sản Việt Nam. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Ngày 29/9, tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chủ đề Phát triển chè hữu cơ gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2022 và Lễ công bố “Cây chè di sản Việt Nam đối với quần thể chè Shan Tuyết Hà Giang” đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công bố và trao quyết định công nhận 1.324 cây chè Shan Tuyết trên địa bàn 5 huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên và Xín Mần của tỉnh Hà Giang là cây Di sản Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện ngành nông nghiệp, khuyến nông các tỉnh đã trình bày tham luận liên quan đến thực trạng, giải pháp bảo tồn và phát triển cây chè theo hướng hữu cơ, vấn đề sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm chè an toàn theo hướng hữu cơ…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng, chè là một trong những cây trồng thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Đây là ngành được đánh giá cao bởi sản phẩm chè không những đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng giai đoạn hiện nay. Chính phủ đã có chủ trương gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền, địa phương gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang Vũ Văn Hiếu cho biết, Hà Giang là một tỉnh có diện tích chè đứng thứ 2 cả nước với tổng diện tích trên 20.500ha, diện tích chè cho thu hoạch gần 18.300ha, sản lượng hàng năm đạt 94.000 tấn, đặc biệt, cây chè Shan Tuyết là cây trồng đặc sản của Hà Giang.

Thương hiệu “Chè Shan Tuyết Hà Giang” đã được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến, ưa chuộng do khai thác hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, chất lượng tốt, hương vị thơm đặc trưng và được chế biến thành nhiều dòng sản phẩm như: trà xanh, hồng trà, trà đen, bạch trà, cao trà… đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu và đã có mặt tại thị trường các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ.

Từ năm 2011, tỉnh Hà Giang đã thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan Tuyết tại huyện Vị Xuyên với diện tích trên 900ha. Đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ là trên 11.600 ha/65 vùng/63 cơ sở, chiếm 61,25% diện tích chè toàn tỉnh.

Nhằm bảo tồn nguồn gene quý, khai thác và phát triển diện tích chè Shan Tuyết cổ thụ gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đến nay, Hà Giang đã được công nhận 1.629 cây là cây Di sản (trong đó, có 1.324 cây được công nhận năm 2022).

Hà Giang cũng là tỉnh có số lượng cây chè Shan Tuyết cổ thụ được công nhận là cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước./.

Nam Thái (TTXVN/ Vietnam+)

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/tren-1300-cay-che-shan-tuyet-duoc-cong-nhan-la-cay-di-san-viet-nam-a5732.html