Ngày 3/10, các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi đoàn kết, sau khi có nhiều nước quan ngại về kế hoạch trị giá 200 tỷ euro (195 tỷ USD) của Đức nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này đang chịu tác động của khủng hoảng năng lượng.
Châu Âu vẫn đang chật vật ứng phó với giá năng lượng cao trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần và nguy cơ thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine.
Nhiều nước thành viên EU đã công bố các chương trình quốc gia nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước xu hướng giá cả leo thang.
Tuần trước, Đức đã mạnh tay thông báo kế hoạch hỗ trợ quy mô lớn trong 2 năm nhằm bảo vệ người dân trước tác động của giá năng lượng tăng vọt.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner khẳng định gói hỗ trợ phù hợp với quy mô kinh tế nước này và mục tiêu của ông là sử dụng số tiền này ít nhất có thể.
Tuy nhiên, kế hoạch của Đức đã khiến một số nước thành viên EU lo ngại rằng ngành công nghiệp của họ sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến thị trường chung EU.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi các đối tác nhất trí về một chiến lược chung nhằm ứng phó với cú sốc về giá cả và hạn chế các nước áp dụng chính sách riêng.
Ông Bruno Le Maire cho rằng mặc dù kế hoạch phục hồi như thời đại dịch COVID-19 đã không còn phù hợp, song các khoản vay trị giá 200 tỷ euro và viện trợ trị giá 20 tỷ euro nên dành cho REPowerEU - một chương trình nhằm giúp các nước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Trong khi đó, một số quan chức khác đã nhắc đến sự đoàn kết chưa từng có trong cuộc khủng hoảng COVID-19, khi cả 27 nước thành viên EU nhất trí thông qua kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro.
Theo Ủy viên EU phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni, cuộc khủng hoảng trước đây đã chứng minh đoàn kết có thể giúp ứng phó hiệu quả với khủng hoảng và trấn an các thị trường tài chính.
Tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) nhận định mặc dù kế hoạch hỗ trợ của Đức sẽ giúp các doanh nghiệp nước này vượt qua khủng hoảng, nhưng cũng đồng thời sẽ gây phân hóa kinh tế và giảm đoàn kết trong nội bộ khối./.
Đặng Ánh
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/eu-hoi-thuc-doan-ket-sau-ke-hoach-ho-tro-quy-mo-lon-cua-duc-a5783.html