Tháng 4/2024, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT
Trước mong ngóng của thí sinh về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vừa qua tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã thông tin về việc ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024, thông tin trên Dân Việt.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, chỉ còn vài ngày nữa quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được Bộ GD&ĐT chính thức ban hành, chuẩn bị cho tháng 4/2024, thí sinh sẽ đăng ký dự thi.
Quy chế mới chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh. Đối với thí sinh, điều quan tâm nhất là phụ lục chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.
Tháng 4/2024, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Sau khi thi xong, có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển đại học. Đây là giai đoạn quan trọng để học sinh xác định được các ngành nghề, trường đào tạo mà các em yêu thích. Sau đó, thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp vừa biết kết quả xét tuyển sớm do các trường đại học công bố.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thông tin: "Các em thí sinh cần lưu ý dù đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn chưa đỗ chính thức. Theo quy định, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Thí sinh phải xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên ngành nào yêu thích nhất lên trên.
Việc đăng ký xét tuyển năm nay hầu như không có thay đổi gì so với năm ngoái, được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Trong thời hạn Bộ GD&ĐT công bố, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng. Nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, sau đó lại muốn trúng tuyển nguyện vọng 5 thì không thể thay đổi được nữa.
Cũng theo bà Thủy, năm nay tuy có một số trường đại học có thể không xét tuyển bằng điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng gần như 100% các trường đại học vẫn dành số chỉ tiêu nhất định cho các phương thức xét tuyển này. Do vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn vô cùng quan trọng, kết quả này khẳng định năng lực học tập của các em trong quá trình học THPT.
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủ nhắn nhủ, học sinh lớp 12 đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau đó việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng cũng là cột mốc vô cùng quan trọng mỗi chúng ta đều đang hướng tới.
"Năm nay là năm bản lề của giáo dục THPT khi các em là lứa học sinh cuối cùng của chương trình THPT 2006, do vậy nhiều em rất cần hỗ trợ tư vấn để nắm vững thông tin, chinh phục được mục tiêu mình đặt ra", bà Thủy nhấn mạnh.
Nhắn nhủ tới các em thi sinh, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, học sinh lớp 12 đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau đó việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng cũng là cột mốc vô cùng quan trọng mỗi chúng ta đều đang hướng tới. "Năm nay là năm bản lề của giáo dục THPT khi các em là lứa học sinh cuối cùng của chương trình THPT 2006, do vậy nhiều em rất cần hỗ trợ tư vấn để nắm vững thông tin, chinh phục được mục tiêu mình đặt ra".
Không có kỳ "thi lại" dành cho học sinh học chương trình cũ trượt tốt nghiệp THPT 2024?
Theo VTV 2024 là năm cuối thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018).
Trước kỳ thi nhiều người thắc mắc, nếu năm nay thí sinh thi không đạt điểm để vào đại học thì sang năm phải thi lại như thế nào?
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng đây là tình huống không mong muốn nhưng nên đặt ra để có sự chuẩn bị. Nếu thí sinh muốn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy thì cần tham gia các kỳ thi này. Còn trường hợp muốn sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, các em phải thi cùng những thí sinh năm sau.
Việc này cũng có thể tương tự với những thí sinh trượt tốt nghiệp, theo bà Thủy. Lý do là tổ chức một kỳ thi tốn kém, trong khi số thi sinh trượt không nhiều. Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, đây là định hướng chung, còn phương án cuối cùng sẽ do lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định. Năm 2023, trong hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp, chỉ hơn 1% trượt.
Năm 2025 là năm đầu tiên các học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ tốt nghiệp bậc THPT. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (còn gọi là chương trình 2.000) có nhiều điểm khác biệt so với chương trình giáo dục phổ thông trước đó từ mục tiêu, quan điểm, phương pháp giáo dục, cơ cấu hệ thống cũng như các môn học, đặc biệt là ở bậc THPT.
Cụ thể, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục cơ bản kết thúc ở bậc THCS, bậc THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Do đó, học sinh bậc THPT không bắt buộc phải học tất cả các môn học như chương trình cũ mà chỉ phải học bắt buộc 4 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ngoài 4 môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn học thêm một số môn học trong các môn còn lại.
Do điều chỉnh trong chương trình học nên việc thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh học theo chương trình mới cũng cần có sự thay đổi phù hợp. Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2024-thiet-thuc-voi-nhung-thong-tin-moi-a57927.html