Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, kỷ niệm 68 năm sau Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), Hà Nội hôm nay đã mang một diện mạo, tầm vóc mới. Vị thế và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng lên từng bước, trở thành "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước".
Theo ông Trần Sỹ Thanh, thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: "Hà Nội, Thủ đô của cả nước, ngày càng có nhiều người tốt, việc tốt"; theo gợi ý của Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, từ năm 1992 - Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt".
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, 30 năm qua, phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" của thành phố được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân Thủ đô.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", gắn phong trào với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đặc biệt, trong hai năm qua, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, phong trào thi đua yêu nước nói chung, phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" nói riêng của Thủ đô như được nhân lên.
Trong khó khăn, thử thách, các lực lượng ở cơ sở và nhân dân đã phát huy cao độ tinh thần tự giác, chủ động, sáng tạo, xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến hiệu quả, hỗ trợ tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Đã có rất nhiều tấm gương sẵn sàng xung kích vào tuyến đầu chống dịch, tình nguyện góp sức, góp công và ủng hộ tiền mặt cũng như vật chất cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố. Kết quả là Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong 30 năm qua, phong trào người tốt, việc tốt của Thủ đô đã trở thành nếp sống văn hóa, bản sắc riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng nói chung đã tạo động lực và niềm tin trong nhân dân, "vườn hoa" người tốt, việc tốt của thành phố đã có gần 30.000 cá nhân được tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt", 119 cá nhân có đóng góp tích cực, tiêu biểu trên các lĩnh vực được tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".
Biểu dương và chúc mừng các cá nhân được tuyên dương, ông Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, vẫn còn rất nhiều những hành động đẹp, những việc làm tốt thầm lặng của những con người đang ngày đêm cống hiến cho công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Những tấm gương nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, những chân dung sống động, dung dị, đời thường của rất nhiều người đã có những việc làm tốt, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn trong cộng đồng, mang đậm nét văn hóa của người Hà thành rất đáng trân trọng, tự hào.
Tại hội nghị, thay mặt Ðảng bộ, chính quyền và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố, ông Trần Sỹ Thanh đã phát động phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" năm 2023.
Tại hội nghị, TP. Hà Nội đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể có thành tích tiêu biểu trong thi đua "Người tốt, việc tốt" của TP. Hà Nội; trao Cờ thi đua của UBND Thành phố cho các tập thể; tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2022 cho 10 cá nhân tiêu biểu vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển Thủ đô…
Danh sách 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 1. Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước, Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. 2. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng (Quang Phùng), Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. 3. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (thế danh Vũ Đức Chính), Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam. 4. Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội. 5. Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. 6. Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. 7. Ông Nguyễn Ngọc Hoài, Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam. 8. Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie. 9. Vận động viên Đinh Phương Thành, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội. 10. Trung tá Phạm Như Trường, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Hà Nội. |
Nguyễn Hạnh
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/ha-noi-vinh-danh-10-cong-dan-thu-do-uu-tu-nam-2022-a5884.html