Thương vụ Việt Nam - địa điểm kết nối hợp tác kinh tế với Bỉ

Thương vụ đã tìm nhiều cách để phối hợp với tất cả đối tác chủ yếu của Bỉ như Liên minh Bỉ-Việt, Phòng Thương mại của Bỉ tại các vùng để tổ chức các buổi tiếp xúc doanh nghiệp, giới thiệu về Việt Nam.

Thời gian vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như bảo vệ thị trường nước ngoài.

Thương vụ đã tìm nhiều cách để phối hợp với tất cả đối tác chủ yếu của Bỉ như Liên minh Bỉ-Việt, Phòng Thương mại của Bỉ tại các vùng cũng như Trung tâm xúc tiến thương mại tại các vùng của Bỉ để tổ chức các buổi tiếp xúc doanh nghiệp, giới thiệu về Việt Nam, cũng như thường xuyên kết hợp với các trung tâm nghiên cứu để đưa các hướng dẫn về tiếp cận thị trường Bỉ, EU lên trang web của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và quảng bá trên trang web của Bộ Công Thương để các doanh nghiệp được biết.

Ngoài ra, cán bộ Thương vụ đi đến từng doanh nghiệp chuyên ngành để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

ttxvnthuong-vu-viet-nam-1665996302.jpg
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Brussels, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, cho biết để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam khi có phát sinh liên quan đến tranh chấp thương mại giữa Việt Nam với một số doanh nghiệp, đối tác của Bỉ, giải pháp của Thương vụ chủ yếu dựa trên cơ sở hợp tác.

Bên cạnh đó, Thương vụ thường làm việc trực tiếp với các đối tác, cùng trao đổi về những khó khăn phát sinh từ các vụ việc để hai bên cùng tìm cách giải quyết tốt nhất. Trong những trường hợp bất khả kháng, theo ông Trần Ngọc Quân, Thương vụ sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của Bỉ, ví dụ như qua Lãnh sự danh dự của Việt Nam ở Bỉ, để thuyết phục phía bạn, đồng thời liên hệ với các quan chức năng của Bỉ để tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam.

Đề cập đến những hoạt động xúc tiến thương mại sắp tới, ông Trần Ngọc Quân cho biết đối với địa bàn Bỉ, Thương vụ đã xây dựng chiến lược xúc tiến trọng điểm với các hoạt động thường xuyên và hằng năm, tập trung vào các hoạt động chính. Thứ nhất, đó là chương trình Việt Nam Road Show tập trung quảng bá về Việt Nam, về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng như cơ hội hợp tác với Việt Nam, ở từng vùng, từng thành phố của Bỉ. Thứ hai là chương trình "Meet and Greet" với việc phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp của Việt Nam sang tìm hiểu thị trường Bỉ và mời các doanh nghiệp Bỉ đến gặp gỡ và trao đổi.

Ông Trần Ngọc Quân chia sẻ: "Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn để biến Thương vụ thành địa điểm kết nối hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ, đặc biệt sự kiện Meet and Greet."

Cùng với các hoạt động giao lưu kinh tế, Thương vụ cũng sẽ phối hợp các bên để tổ chức thường niên hoạt động Tuần hàng Việt Nam tại Bỉ. Hoạt động hằng năm này nhằm tăng cường sự hiểu biết về hàng hóa Việt Nam cũng như tạo cơ hội thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Thông qua những hoạt động này sẽ góp phần quảng bá nhiều hơn hình ảnh của Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Quân cũng cho biết trong các chương trình xúc tiến thương mại, luôn lồng ghép các hoạt động về văn hóa, du lịch để tạo hình ảnh Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho tất cả các doanh nghiệp và người dân Bỉ.

Liên quan đến thuận lợi và thách thức khi đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường sở tại, ông Trần Ngọc Quân khẳng định hàng hóa của Việt Nam hiện nay được biết đến ngày càng nhiều hơn đối với Bỉ và châu Âu, đặc biệt là nhờ EVFTA, hàng hóa của Việt Nam được lợi thế rất lớn về thuế so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này càng có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi mà kinh tế EU gặp nhiều khó khăn, nguồn cung đứt gãy thì EU tập trung vào khai thác các Hiệp định thương mại, trong đó có các FTA. Chính vì vậy, hàng hóa của Việt Nam ngày càng có ưu thế ở thị trường Bỉ và châu Âu.

Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp với các ban, ngành, nên hàng hóa Việt Nam dễ dàng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Về khía cạnh doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Quân cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng đổi mới, hướng đến thị trường nhiều hơn, làm ăn bài bản hơn và hàng hóa ngày càng đáp ứng các quy chuẩn. Đây là những lợi thế rất lớn cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các thách thức đối với hàng hóa Việt Nam cũng không nhỏ.

Theo ông Trần Ngọc Quân, thứ nhất là hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Bỉ thông qua rất nhiều các nhà nhập khẩu bản địa khiến doanh nghiệp Việt phụ thuộc nhiều vào nhà nhập khẩu và không xây dựng được thương hiệu. Trong khi đó, xu thế hiện nay ở một số nước đối tác thương mại của Việt Nam như Thái Lan bắt đầu đã có Đại diện thương mại của doanh nghiệp ở nước ngoài bên cạnh đại diện thương mại Nhà nước. Họ làm công tác xúc tiến trực tiếp cho các ngành hàng cũng như là đầu mối tập trung thu mua hàng, làm dịch vụ logistic, kho hải quan. Trong trường hợp cần thiết, họ đến gặp trực tiếp các nhà phân phối.

Thứ hai, trong thời gian qua, ngoài một số doanh nghiệp rất tích cực, chủ động và có những chuyển đổi trong sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu, một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất trước rồi mới đi tìm đối tác, tìm thị trường.

Ông Trần Ngọc Quân cho rằng cách làm này rất khó để tiếp cận thị trường như EU, bởi thị trường EU có rất nhiều quy định và hàng hóa sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn để vào thị trường châu Âu.

Thứ ba, có một số đối tác lẩn tránh ở một số quốc gia để đưa các hàng hóa hưởng lợi bất hợp pháp từ EVFTA vào thị trường châu Âu, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hàng hóa Việt Nam.

Từ những vấn đề trên, ông Trần Ngọc Quân muốn lưu ý các doanh nghiệp rằng chúng ta có cơ hội EVFTA và cần bảo vệ lợi ích từ EVFTA.

Đánh giá về hai năm thực thi EVFTA, ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh trong hai năm vừa qua, tình hình kinh tế thế giới cũng như kinh tế của EU có rất nhiều khó khăn. Thương mại của hầu hết các nước đều suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường châu Âu vẫn có tín hiệu đáng mừng. Hiệp định EVFTA có vai trò rất lớn, hỗ trợ Việt Nam tiếp cận thị trường EU một cách mạnh mẽ.

Trong 8 tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại giữa Việt Nam-EU đã tăng khoảng 17 %, trong đó tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 25 %. Đây là một tín hiệu quan trọng trong bối cảnh khó khăn về nhiều mặt, từ logistic, vận tải biển, thiếu container hàng do dịch bệnh COVID-19 cho đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng ở EU cũng như các vấn đề khó khăn về giá dầu mỏ…

Ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh Hiệp định EVFTA thời gian qua là một kênh giúp Việt Nam khơi thông nguồn hàng hóa từ EU. Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU trong năm vừa qua đã tiếp cận được rất nhiều các hiệp hội doanh nghiệp ở châu Âu và tiến hành khảo sát về thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, tất cả các hiệp hội và doanh nghiệp EU đều đánh giá rất cao hiệp định này. Đây là cơ hội rất lớn để đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU. Nhiều doanh nghiệp châu Âu cam kết đến Việt Nam để phát triển chương trình kinh doanh.

Tham tán Thương mại Trần Ngọc Quân khẳng định ngoài tăng trưởng rõ ràng về mặt thương mại, chúng ta vẫn nhìn thấy một cơ hội triển vọng khi rất nhiều doanh nghiệp của EU tìm đến Việt Nam tăng cường hợp tác. Đây là những lợi ích lâu dài về sau./.

Hương Giang

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/thuong-vu-viet-nam-dia-diem-ket-noi-hop-tac-kinh-te-voi-bi-a6006.html