Trong bối cảnh châu Âu nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều nước châu Âu chưa tìm ra được tiếng nói chung về giải pháp tháo gỡ vấn đề này.
Giới chức các nước Croatia, Litva, Phần Lan và Slovakia đã đưa ra quan điểm trái chiều trước thềm diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng phụ trách vấn đề Liên minh châu Âu (EU) tại Luxembourg.
Croatia và Litva muốn áp trần giá bán buôn khí đốt. Phía Croatia thậm chí còn nhấn mạnh đến phương án mua chung khí đốt giữa 27 quốc gia thành viên.
Trong khi đó, Quốc vụ khanh Marko Stucin thuộc Bộ Ngoại giao Slovenia nêu rõ nước này ủng hộ áp dụng giá trần linh hoạt đối với khí đốt hóa lỏng trong thời gian sớm nhất có thể.
Người đồng cấp Slovakia Andrej Stancik đề xuất về một cải cách thị trường trong dài hạn để tách bạch điện được sản xuất từ khí đốt và điện từ các nguồn khác, qua đó đưa ra mức giá điện khác nhau.
Phía Slovakia còn ủng hộ việc trợ giá năng lượng trực tiếp đối với người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Phần Lan Tytti Tuppurainen cho biết Helsinki hiện đã sẵn sàng áp trần giá xăng tạm thời, song nước này không đồng tình với phương án trợ giá cho người dân.
Theo bà, thay vì trợ cấp cho các hộ gia đình cá nhân, các nước cần đầu tư vào năng lượng xanh, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc của châu Âu vào các nhà cung cấp năng lượng như Nga.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU và là nước phản đối áp trần giá năng lượng, đã bày tỏ sự ủng hộ với giải pháp mua chung khí đốt, cắt giảm tiêu thụ năng lượng và đa dạng hóa các nguồn cung.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề EU của Đức Anna Luehrmann nhấn mạnh sự đoàn kết giữa các nước EU trong việc giải quyết thiếu hụt năng lượng hiện nay.
Trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, dự kiến tại Brusselss (Bỉ) vào ngày 20-21/10 tới, giới lãnh đạo Ủy ban châu Âu ngày 18/10 sẽ đề xuất một gói giải pháp nhằm kìm hãm giá năng lượng tăng.
Tuy nhiên, gói giải pháp này sẽ không bao gồm việc áp trần giá khí đốt, vấn đề vốn đang gây chia rẽ giữa các nước thành viên./.
Thanh Hương
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/mot-so-nuoc-eu-bat-dong-ve-cach-thuc-giai-quyet-khung-hoang-nang-luong-a6028.html