Đề nghị xác minh để tìm cách hồi hương hai cổ vật triều Nguyễn được đấu giá tại Pháp

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật triều Nguyễn gồm 1 ấn vàng và 1 bát vàng để hồi hương hai cổ vật này.

Hình ảnh ấn tín trên trang web đấu giá của hãng MILLON.
Hình ảnh ấn tín trên trang web đấu giá của hãng MILLON.

Cụ thể, Cục Di sản văn hóa đã chính thức lên tiếng trước thông tin về vụ việc đấu giá 2 cổ vật triều Nguyễn tại Pháp chiều 21/10. Cục cho biết, trên website chính thức của hãng đấu giá MILLON (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp), có đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917-1925). Phiên bán đấu giá hai cổ vật nêu trên dự kiến sẽ được tiến hành vào 11 giờ trưa ngày 31/10/2022 (giờ Paris).

Căn cứ thông tin đăng tải trên website của hãng đấu giá MILLON và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn là Bảo Đại trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều ngày 30/8/1945.

Về việc này, Cục Di sản văn hóa cho rằng: Nếu đây là ấn "Hoàng đế chi bảo" (thông tin cần được xác định chính xác thông qua các đánh giá và giám định chuyên môn) thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa… xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.

Ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao. Công văn nêu rõ: Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn "Hoàng đế chi bảo") cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.

Công văn cho biết: "Chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…".

Đề nghị xác minh để tìm cách hồi hương hai cổ vật triều Nguyễn được đấu giá tại Pháp ảnh 1

Chiếc bát trên trang đấu giá của hãng MILLON.

Cũng tại công văn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 2 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…).

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất, đúng pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế, để "hồi hương" 2 cổ vật, dựa trên kết quả làm việc với hãng đấu giá.

Liên quan đến vấn đề giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn "chảy máu cổ vật", Cục Di sản văn hóa cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970 về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa từ năm 2005. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với hàng loạt các văn bản liên quan khác, việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, với sự tham gia của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Theo Lịch sử Việt Nam, ấn "Hoàng đế chi bảo" được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 tức ngày 15/3/1823. Đây là Bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn.

Theo quy định của triều Nguyễn, ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng khi “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…”

Như vậy, kể từ khi đúc ra đến khi trao cho Chính quyền Cách mạng, ấn "Hoàng đế chi bảo" đã có 122 năm tuổi.

LINH KHÁNH

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/de-nghi-xac-minh-de-tim-cach-hoi-huong-hai-co-vat-trieu-nguyen-duoc-dau-gia-tai-phap-a6096.html