Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Sáng 1-11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Phòng, chống rửa tiền để góp phần phòng, chống tham nhũng

Trước đó, báo cáo về Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền. Nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức “trung bình cao” đến mức “cao”. Do vậy, hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền sẽ góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền.

Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền cũng nhằm đáp ứng điều ước và cam kết quốc tế. Theo đó, năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) và phải thực hiện các chuẩn mực quốc tế về rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; cam kết tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG.

Mặt khác, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: VPQH 

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền kinh tế, tài chính, kinh tế quốc gia nên việc phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm các biện pháp và hoạt động có thể thực hiện để có thể ngăn chặn các hành vi rửa tiền, được sử dụng bất cứ hình thức nào.

Theo các đại biểu, phòng, chống rửa tiền là yêu cầu cấp bách và cũng là thách thức đối với nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 là một dấu mốc quan trọng để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, là một trong những yếu tố then chốt để phát hiện, ngăn chặn và sửa chữa kịp thời các hành vi rửa tiền, thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền trong thời gian tới.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
 Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Giao dịch tiền ảo trên nền tảng online đang rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát

Để hoàn thiện dự án luật, góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) băn khoăn về một số từ ngữ được sử dụng trong dự thảo luật chưa được giải thích rõ, có thể dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.

Cụ thể, tại Điều 44 dự thảo luật có nêu "Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ", nhưng lại chưa giải thích rõ thế nào là cơ sở hợp lý để nghi ngờ. Do đó, để thống nhất cách hiểu, tránh áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không đúng, lạm quyền, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung giải thích nội hàm thuật ngữ "cơ sở hợp lý để nghi ngờ" vào dự thảo luật.

Ngoài ra, đại biểu quan tâm đến khoản 4 Điều 3 của dự thảo luật quy định: “Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định”.

Đại biểu cho rằng, hiện nay, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ được Nhà nước công nhận thì thực tế có hoạt động liên quan đến tiền ảo giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát.

“Dự báo thời gian tới, việc mở rộng hội nhập quốc tế thì các giao dịch tiền ảo này sẽ phát triển và đây là điều kiện cho các hành vi rửa tiền mà ta chưa lường hết được”, đại  biểu nói và đề nghị bổ sung "trường hợp giao dịch khác" vào dự thảo luật.

Lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao xảy ra hoạt động rửa tiền

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) đề cập rằng, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao xảy ra hoạt động rửa tiền, các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
 Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An): Trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao xảy ra hoạt động rửa tiền. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu Thái Thị An Chung, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Do đó, để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản, bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến; nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương, do đó cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần...

NGUYỄN THẢO - CHIẾN THẮNG

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-phong-chong-rua-tien-sua-doi-a6281.html