Đến hết tháng 10/2022, Cục Bản quyền tác giả đã cấp trên 10.000 giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan. Các đối tượng đăng ký tập trung vào một số loại hình như mỹ thuật ứng dụng, âm nhạc...
(Ảnh minh họa: Mona Media)
Theo thống kê, số lượng đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tăng từ 8-10%/năm trong những năm gần đây.
Đó là thống kê được bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cung cấp tại hội thảo về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra ngày 11/11, tại Hà Nội.
Cụ thể, năm 2019 có trên 8.000 giấy chứng nhận được cấp, năm 2020 là trên 10.000 giấy, năm 2021 dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng số giấy cấp mới vẫn duy trì mức 10.000 giấy. Đến hết tháng 10/2022, đã có trên 10.000 giấy chứng nhận được cấp.
Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết các nhóm đối tượng đăng ký tập trung vào một số loại hình như mỹ thuật ứng dụng (44%); âm nhạc (25%); tác phẩm viết (14%); chương trình máy tính (13%), còn lại là các loại hình khác.
“Qua đó có thể thấy những năm gần đây, lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đang được xã hội rất quan tâm, nhất là trong thời điểm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn. Do đó, việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được xã hội chú trọng và hưởng ứng,” Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết.
Tại hội thảo, lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả khẳng định Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, trong đó có vấn đề bản quyền tác giả, quyền liên quan. Ngày nay, các cá nhân, tổ chức đã nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền trong việc hỗ trợ bản quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân các cá nhân, tổ chức, chủ sở hữu tác quyền.
Hội thảo cũng là dịp cơ quan quản lý nhà nước phổ biến thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả trong một sự kiện bản quyền gần đây. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hiện nay, các giao dịch trên môi trường số phát triển, hoạt động đăng ký bản quyền, quyền liên quan ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội. Sự giao lưu, giao thoa của các hoạt động kinh doanh ngày càng được khai thác, đẩy mạnh trên môi trường số thì những giả định pháp lý, các giấy tờ chứng minh cho sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích của chủ sở hữu cũng nhận được sự quan tâm hơn.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (ngày 16/6/2022), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua với tỷ lệ hơn 95% phiếu tán thành. Trong đó, sửa đổi 27 điều, bổ sung 5 điều, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, bãi bỏ khoản 3, điều 51, sửa đổi và bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan (Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá).
Cục Bản quyền tác giả đang tập hợp ý kiến đóng góp về nâng cao hiệu quả công tác quyền tác giả, hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mới đây, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng tham dự Diễn đàn Bản quyền Việt Nam-Hàn Quốc để chia sẻ về cách quản lý vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và tham khảo mô hình quản lý của Hàn Quốc cũng như lắng nghe ý kiến của các chuyên gia hai nước.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan còn vướng mắc trong quá trình hướng dẫn hồ sơ do chưa có văn bản quy định chi tiết hướng dẫn.
Cụ thể, chỉ có một mẫu Tờ khai đăng ký quyền tác giả duy nhất áp dụng chung cho tất cả các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, trong khi đó mỗi loại hình lại có những đặc điểm khác nhau. Các hướng dẫn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả liên quan chỉ căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định nên vẫn còn chung chung.../.
Minh Thu (Vietnam+)
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/so-luong-dang-ky-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-tang-toi-10nam-a6558.html