Thực tế cho thấy, khi việc bảo tồn di sản được xã hội hóa, doanh nghiệp, doanh nhân là thành phần quan trọng. Vậy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là gì? Để thực hiện tốt vai trò đó, cần những điều kiện gì?
Bảo tồn không khéo có thể làm hỏng di sản
Bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ cấp bách, nhưng hiện nay nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế. Chẳng hạn, Hà Nội có khoảng 5.000 di tích. Nếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước cấp để bảo tồn số lượng lớn di sản như vậy thì không khác gì chúng ta bỏ vài giọt nước vào trong cả đại dương. Như vậy, việc bảo tồn không đạt hiệu quả cao. Thực tế chứng minh, xã hội hóa để doanh nghiệp, doanh nhân cùng tham gia vào việc bảo tồn di sản là giải pháp hữu hiệu. Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hằng năm, doanh nhân, doanh nghiệp cũng đóng góp số tiền khá lớn cho công tác bảo tồn di tích. Thậm chí, với nhiều di tích đền, chùa, phần lớn số tiền bảo tồn là do doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp.
Tuy nhiên, vì không phải doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng am tường về văn hóa nên theo các chuyên gia, nếu bảo tồn không khéo có thể làm hỏng di sản. Theo GS Lê Văn Lan, ngôi chùa thờ ngài Nguyễn Minh Không (thời Lý) ở Ninh Bình đã được một doanh nhân bỏ ra số tiền rất lớn để bảo tồn, thế nhưng công trình lại nhận về những dư luận trái chiều. Hay một công trình khác ở Hà Nam, nơi Huyền Trân Công chúa (thời Trần) đã về tu hành và để lại nhiều công đức sau khi rời đất Chiêm Thành. “Đây là ngôi chùa cũ, hẻo lánh, thâm nghiêm, trang nhã ở bên sườn một ngọn núi cổ, nổi lên ở giữa đồng bằng Nam Định, rất đẹp. Nhưng một doanh nghiệp bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng làm lại mà cuối cùng ngôi chùa biến mất, thay vào đó hiện ra một loạt lầu gác, đền đài, trụ sở, phòng họp vô cùng khang trang. Đây không phải là bảo tồn văn hóa. Bởi vì những thứ đó không mang hồn cốt của dân tộc Việt Nam, không phải là văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh chân chính. Bảo tồn theo cách này liệu có phải theo tâm lý riêng của cá nhân hay thậm chí là vụ lợi không?”, GS Lê Văn Lan trăn trở.
Hiểu biết để bảo tồn di sản
Văn hóa truyền thống mới tạo ra giá trị đích thực, độc đáo của Việt Nam. Bảo tồn những giá trị đó mới thực sự thu hút được du khách, mang lại nguồn lợi về kinh tế. Chính các doanh nghiệp cũng thừa nhận được hưởng lợi từ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Kinh doanh nhiều năm trong lĩnh vực du lịch, theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group, du thuyền của đơn vị ông đã làm sống lại câu chuyện "vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi, kết hợp sử dụng các yếu tố văn hóa, mỹ thuật, ẩm thực, kiến trúc... để tạo sự khác biệt, hấp dẫn và được du khách rất yêu thích. “Người Việt Nam nên trân quý di sản thay vì làm một thứ mới không liên quan đến di sản. Sứ mệnh của doanh nghiệp là bảo tồn di sản”, ông Phạm Hà cho biết.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa cũng cho rằng: “Chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và giữ gìn nguyên vẹn để trao truyền cho các thế hệ mai sau. Vì thế, bảo tồn và giữ gìn nguyên vẹn cần bảo đảm tính khoa học chứ không thể theo cách đơn giản, đơn thuần hay hình thức. Chúng tôi tán thành việc chúng ta cần phối hợp với doanh nghiệp cùng đầu tư bảo tồn di sản và điều này đã được đề cập trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tuy nhiên, ngoài nghĩ đến nguồn lực, chúng ta cũng cần chú ý đến sự hiểu biết nhất định về di sản. Có như vậy, sự đầu tư mới đúng mục đích, mục tiêu, giữ gìn giá trị cốt lõi của di sản”.
Vậy làm gì để doanh nhân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào công tác bảo tồn di sản? Ông Trần Văn Mạnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đề xuất: “Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng những chính sách phù hợp, tuyên truyền, khuyến khích, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để họ ý thức được rằng họ cũng chính là chủ nhân của nguồn tài nguyên văn hóa quốc gia. Từ đó, họ có tinh thần trách nhiệm tự giác chăm lo, bảo vệ và vun đắp cho các di sản của quốc gia. Muốn vậy, họ cần được cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức, được huấn luyện, trang bị những kiến thức cơ bản cùng các kỹ năng cần thiết để tham gia một cách có hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước”.
Bài và ảnh: HỒNG MINH
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/phat-huy-vai-tro-cua-doanh-nghiep-trong-bao-ton-di-san-a7384.html