Ngành vi mạch bán dẫn hấp dẫn thế nào?

Các câu hỏi "ai nên học bán dẫn", "nhu cầu nhân lực và thu nhập ra sao"… sẽ được TS. Đặng Minh Tuấn, "cha đẻ Vietkey" trả lời trong chương trình Nghề tương lai, phát sóng 15h ngày 27/6.

Trong podcast Nghề tương lai số thứ hai với chủ đề "Ngành bán dẫn 'săn' nhân lực - gen Z làm gì để 'bắt trend'", cuộc trò chuyện với TS. Đặng Minh Tuấn - Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông, Trường Đại học CMC, kiêm Viện Trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng ATI sẽ mang đến bức tranh toàn cảnh về bán dẫn. Đây là một trong những ngành học đang thu hút sự quan tâm của Chính phủ, đơn vị giáo dục và thế hệ nhân sự tương lai, đang được bổ sung tại rất nhiều trường đại học trên cả nước.

TS. Đặng Minh Tuấn có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin, hàng chục công trình nghiên cứu và nhiều sản phẩm nổi tiếng như bộ gõ Vietkey, Vietkey Linux (Giải nhất cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam 2002), hệ thống nhận diện khuôn mặt CIVAMS, chuyển đổi âm thanh thành văn bản (Speech to Text)...

TS. Đặng Minh Tuấn - Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông, Trường Đại học CMC. Ảnh: Tùng Đinh

TS. Đặng Minh Tuấn - Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông, Trường Đại học CMC. Ảnh: Tùng Đinh

Nhận định về ngành bán dẫn, ông cho biết, đây là công nghệ lõi của rất nhiều công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, big data... Do đó, bán dẫn rất quan trọng với mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời, là cơ hội cho các quốc gia được nằm trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

"Việt Nam đang có cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng đó và đem lại triển vọng việc làm cho các bạn gen Z, hay thậm chí là những nhóm nhiều tuổi hơn muốn chuyển đổi sang ngành ngày", ông khẳng định.

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Thị trường chip bán dẫn thế giới dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Vì vậy, đến năm 2030, toàn cầu cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.

Những linh kiện có kích thước nhỏ bé này có thể tìm thấy ở mọi nơi, từ trung tâm dữ liệu, máy tính, tên lửa cho tới máy giặt, và đang trở thành động lực thúc đẩy cho nền kinh tế hàng chục nghìn tỷ USD trên toàn cầu.

Theo Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2045 có thể đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư bán dẫn. Hiện, Việt Nam thu hút nhiều tập đoàn lớn ngành vi mạch bán dẫn từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan với khoảng trên 40 công ty. Bên cạnh đó, nhiều công ty trong nước cũng gia nhập thị trường.

Trường đại học CMC là một trong số ít đơn vị đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn nhằm cung cấp nguồn nhân lực cao của ngành tại thị trường Việt Nam và quốc tế.

Theo đó, để giúp các bạn trẻ "đón đầu" cơ hội từ giai đoạn khởi đầu này, TS. Đặng Minh Tuấn sẽ trả lời nhiều thắc mắc về ngành như học có khó không, thu nhập ra sao, những ai nên theo học bán dẫn, lộ trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin sang bán dẫn...

TS. Đặng Minh Tuấn chia sẻ tại Nghề tương lai. Ảnh: Tùng Đinh

TS. Đặng Minh Tuấn chia sẻ tại Nghề tương lai. Ảnh: Tùng Đinh

Chương trình nằm trong chuỗi podcast "Nghề tương lai" do VnExpress sản xuất. Đây là kênh thông tin giúp phụ huynh và các bạn trẻ có góc nhìn đa chiều về ngành nghề và nắm bắt xu hướng việc làm, phát sóng trên báo điện tử VnExpress và fanpage VnExpress.net. Mỗi số sẽ khai thác một ngành nghề được dự đoán phát triển mạnh mẽ trong tương lai như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thiết kế game, phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin...

Trước đó, trong số đầu tiên, chương trình khai thác về chủ đề "Hành trình từ 'chơi' đến 'học' và 'kiếm tiền' từ game", câu chuyện xoay quanh nghề vận động viên thể thao điện tử.

Nhật Lệ

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/nganh-vi-mach-ban-dan-hap-dan-the-nao-a77893.html