Cô Hồi cũng là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng nhận danh hiệu này.
"Tôi rất hạnh phúc. Tôi nghĩ bản thân vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng đã nhận được sự tin tưởng, yêu mến của đồng nghiệp", cô Hồi nói, hôm 1/7.
Cô cho hay gốc ở Thái Bình. Năm 1992, khi tròn 19 tuổi, cô tốt nghiệp trường Trung học Sư phạm tỉnh, được phân công về dạy tại trường Tiểu học Lạc Hòa 1, huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã). Thời điểm này, xã Lạc Hòa là vùng đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc Khmer và Hoa.
Những ngày đầu, cô giáo trẻ phải đến ở nhờ nhà của đồng nghiệp. Sau 5 năm, cô mới được chuyển đến khu tập thể của nhà trường. Ngôi trường nhỏ có 5 phòng học, sân đầy cỏ dại, lại cách thị trấn chừng 15 km nên đi lại rất vất vả.
"Nếu muốn đi họp ở thị xã, mình phải đạp xe đi trước một ngày và ở nhờ nhà người quen", cô Hồi nhớ lại.
Không chỉ giáo viên, điều kiện học tập của học sinh cũng vô cùng khó khăn. Theo lời cô, các phòng học với tường gạch cao khoảng 1 m, phần trên được che bằng những tấm tôn, còn lại là cây lá tạm bợ. Học sinh đến lớp trong những bộ quần áo cũ sờn, nhiều em đi chân đất, thiếu sách vở, dụng cụ học tập.
"Nhìn thấy các em chịu nhiều thiệt thòi, tôi tự nhủ mình không được bỏ cuộc", cô Hồi nhớ lại. Cô đã gắn bó với Tiểu học Lạc Hòa 1 hơn 30 năm nay.
Cô Hồi nói phải tìm cách riêng với mỗi học sinh để các em tiến bộ và tự tin hơn. Ngay trong giờ giảng, cô đánh giá, phân nhóm học sinh, quan tâm đến những em "đuối" hơn để kèm cặp, khuyến khích.
Sau giờ dạy, cô nán lại để hướng dẫn thêm các em này, thậm chí đến tận nhà hỗ trợ. Những học trò không được bố mẹ đón giữa buổi, cô để các em nghỉ lại trong phòng mình. Vì thế, lớp do cô Hồi làm chủ nhiệm thường không có học sinh nào nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Nữ giáo viên cũng tham gia viết sáng kiến dạy học, trong đó đưa ra một số biện pháp giúp học sinh lớp 2 giải toán có lời văn ở trường. Các giải pháp này sau đó được ứng dụng tại các lớp 2 trong toàn thị xã, từ năm học 2017- 2018 đến nay.
Ngoài ra, cô tự vận động và mở một lớp học xóa mù chữ vào buổi tối với 13 học viên, dạy cho hai lớp tương tự do chính quyền địa phương mở. Có những người ngại không đến lớp, cô lại đến tận nhà để hỗ trợ.
Trong 5 năm qua, cô còn tích cực kêu gọi mạnh thường quân tài trợ cho học sinh nghèo các suất học bổng, xe đạp, sách vở và nhiều đồ dùng cần thiết khác như gạo, quần áo, dép...
Thầy Thạch Thanh Hòa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lạc Hòa 1, nhận xét cô Hồi có chuyên môn vững, nhiệt tình trong công tác và hỗ trợ đồng nghiệp.
"Cả phụ huynh và học sinh đều rất yêu quý cô, nhiều em sau khi ra trường nhưng vẫn thường xuyên về thăm", thầy Hòa cho hay.
Cô Hồi nhiều lần được công nhận giáo viên giỏi, đạt giải cao trong thi thiết kế đồ dùng dạy học; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, nhận Bằng khen của Thủ tướng và UBND tỉnh Sóc Trăng... Cách đây 7 năm, cô được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Năm 2022, cô Hồi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc.
Hơn 30 năm theo nghề, cô Hồi luôn tâm đắc với câu nói "người yêu nghề bao giờ cũng thấy công việc của mình chưa hoàn hảo". Vì thế, mỗi ngày cô luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình.
"Tôi yêu mến con người và vùng đất này nên sẽ tiếp tục cống hiến", cô Hồi nói.
An Minh
Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/co-giao-truong-lang-nhan-danh-hieu-nha-giao-nhan-dan-a78929.html