Đổi mới thể chế là nền tảng pháp lý cho chuyển đổi giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật của ngành giáo dục phải chú trọng phục vụ cho mục tiêu quản lý, đổi mới.

Hội nghị công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2024, chuyên đề xây dựng pháp luật do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì đã diễn ra chiều nay (3/7).

Theo báo cáo về công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT, trong 6 tháng đầu năm, Bộ GD&ĐT phải trình cấp có thẩm quyền ban hành tổng số 12 văn bản và ban hành theo thẩm quyền 24 văn bản. Việc thực hiện kế hoạch đã được các đơn vị của Bộ tích cực triển khai.

Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GD&ĐT ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành của Bộ.

Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đi vào cuộc sống, giải quyết bước đầu một số bức xúc của xã hội, được nhân dân ủng hộ, đồng tình. Công tác phối hợp của các đơn vị trong Bộ ngày càng tốt hơn, trách nhiệm của người đứng đầu ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, vẫn còn nhiều văn bản đang chậm muộn, chưa bảo đảm thời hạn được giao.

Một số nội dung đề xuất chưa bám sát cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và chưa đảm bảo vào nguồn lực thực tế, dẫn đến không đảm bảo tính khả thi. Kinh phí chi cho công tác soạn thảo văn bản còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện.

Giáo dục - Đổi mới thể chế là nền tảng pháp lý cho chuyển đổi giáo dục

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đào Hồng Cường trình bày tại hội nghị.

Nguyên nhân của hạn chế trong công tác ban hành văn bản là do một số văn bản có nội dung phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội, vì vậy, cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu và tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản hoặc cần sự thống nhất với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Nhiều văn bản bị mất quá nhiều thời gian vào xin ý kiến.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh khâu thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược trong định hướng xây dựng và phát triển đất nước. Công tác xây dựng pháp luật được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ. Hội nghị chuyên đề về nội dung này được Chính phủ tổ chức hàng tháng. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo ráo riết các Bộ trưởng, trường ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Về phía Bộ GD&ĐT, khâu thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được đặc biệt coi trọng. Trong bối cảnh triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, rất cần đổi mới về thể chế, lấy đổi mới thể chế làm nền tảng tạo dựng khung pháp lý cho đổi mới chung toàn bộ các hoạt động của ngành.

Bộ trưởng nhận định, những năm qua, công tác pháp chế tại Bộ GD&ĐT có chuyển biến tích cực. Ngoài chỉ đạo là công tác thường xuyên, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về công tác pháp chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Từ những hội nghị này, Bộ trưởng đánh giá đã có một vài điểm được điều chỉnh, rút kinh nghiệm, các khâu đã có cải thiện, đẩy nhanh và thống nhất hơn.

Giáo dục - Đổi mới thể chế là nền tảng pháp lý cho chuyển đổi giáo dục (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Tuy nhiên với thực tế công tác pháp chế còn hạn chế, Bộ trưởng nhấn mạnh, vẫn phải khẳng định đối với công tác quản lý nhà nước, việc ban hành, đốc thúc triển khai, đánh giá tổng kết thực hiện văn bản quy phạm pháp luật là công việc quan trọng hàng đầu.

“Bên cạnh việc bàn nhiều đến tiến độ phải đặc biệt chú ý tới chất lượng” Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo đó, chất lượng văn bản không chỉ thể hiện ở tính hợp hiến, hợp pháp, sự đồng thuận xã hội, mà quan trọng là phục vụ cho mục tiêu quản lý, mục tiêu đổi mới.

“Sẽ không có nhiều cái mới thúc đẩy đổi mới quản lý, đổi mới giáo dục nếu không tăng cường chất lượng văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng bày tỏ.

Một số việc được Bộ trưởng đề nghị tập trung trong thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác pháp chế, đó là là đẩy mạnh công tác phối hợp trong, ngoài; tăng cường các công cụ hỗ trợ, tăng cường chuyển đổi số; tăng cường tổ chức tập huấn cho các nhóm đối tượng khác nhau bao gồm cả lãnh đạo các đơn vị…

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, chú ý công tác tuyển dụng, đánh giá cán bộ gắn liền với công tác pháp chế, tính toán nguồn kinh phí phù hợp để tăng cường cho công tác pháp chế… cũng là những vấn đề được Bộ trưởng lưu ý.

Link nội dung: https://tiepthivatieudung.vn/doi-moi-the-che-la-nen-tang-phap-ly-cho-chuyen-doi-giao-duc-a79198.html